Dân chủ là một phạm trù chính trị xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ xã hội khác nhau với những nội dung cơ bản dân chủ là quyền lực thuộc về Nhân dân. Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, muốn vậy, thì phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị.
Tiếp tục kế thừa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát” của Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội XIII tiếp tục bổ sung thêm yếu tố “Dân thụ hưởng”, nghĩa là dân làm thì dân phải được thụ hưởng, nếu làm mà không được thụ hưởng thì không tạo động lực để dân làm. Động lực chính là lợi ích; lợi ích phải hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước với phương châm tổng quát và tạo thành một “vòng tròn khép kín”, đó là: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Với 6 chương, 91 điều, Luật đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, khẳng định trên thực tế quyền con người, quyền công dân, chủ quyền của nhân dân theo nguyên tắc hiến định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Với đạo luật này, thực hiện dân chủ cơ sở không còn là khẩu hiệu chung chung mà trở thành quy phạm pháp luật, quy định cụ thể về quyền của người dân, Nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình. Người dân được biết, được bàn, được giải phóng sức sản xuất và sáng tạo, được kiểm tra, giám sát công khai minh bạch hơn, từ đó Nhân dân có điều kiện thực tế để thụ hưởng những thành tựu mà dân chủ mang lại.
Tuy nhiên ngay sau khi Luật thực hiện dân chủ cơ sở được thông qua, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, hạ thấp giá trị của Luật này bằng những nhận định phiến diện, một chiều, thậm chí là “bới móc”, “mổ xẻ”, “thêm mắm, dặm muối” và “sáng tạo” ra những dẫn chứng với mục đích là phủ nhận tính đúng đắn, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong đảm bảo các quyền con người, quyền, và lợi ích hợp pháp của công dân, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam đang khẳng định bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội mở rộng hơn, dân chủ ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân được bảo vệ. Với mục tiêu, quan điểm và những quyết định mới trong thực hiện dân chủ cơ sở, chúng ta không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào phủ nhận, xuyên tạc, hạ thấp giá trị của đạo này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét