Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội mỗi cán bộ, đảng viên cần phải làm gì?

Thời gian qua, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mạng internet và các trang mạng xã hội, nhiều cán bộ, đảng viên đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện sinh động của việc phát huy quyền tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở Việt Nam. Cùng với những nhóm xã hội khác, các cán bộ, đảng viên đã bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ có trách nhiệm của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp có tính khả thi nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, của đất nước, cũng như của Đảng và Nhà nước.
Trên thực tế, thông tin trên không gian mạng như “chợ trời, thượng vàng hạ cám”. Rõ ràng, nếu cán bộ đảng viên không nắm rõ đúng sai, hay dở mà đã vội vàng dẫn lại, phát tán… thì đó là hành vi, thiếu trách nhiệm và vi phạm các quy định của pháp luật.
Do đó, khi tham gia mạng xã hội, cán bộ, đảng viên cần lưu ý một số nội dung như sau:
Một là, phải có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh… khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn. Chỉ sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước.
Hai là, khi đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét phải có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm. Nhất là với các vụ việc đang “nóng”, cần tránh tạo tâm lý kích động hoặc dẫn dắt dư luận một cách sai lệch; khi cần có ý kiến thì phải hợp lý, thể hiện bằng văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc.
Ba là, tuyên truyền, động viên để nhiều người khác, nhất là với người thân, những người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội. Trên trang mạng internet và tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân.
Bốn là, tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị và đất nước; lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng; đồng thời tích cực đấu tranh phản bác những trang, những thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực; không đưa những thông tin, hình ảnh, tư liệu nội bộ cơ quan, đơn vị.
Năm là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội 2021 cho các nhóm đối tượng khác nhau, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên; giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn./.

P.H (Tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét