Những năm qua, tình trạng mua bán người đã có sự thuyên giảm nhưng vẫn còn phức tạp về cách thức hoạt động. Trước đây, những kẻ buôn người thường lợi dụng sự quen biết với người địa phương để lừa gạt phụ nữ, giờ đây một phương thức tiếp cận mới đó là các đối tượng kết bạn làm quen trên mạng xã hội Faccebook, Zalo, Twitter dụ dỗ, lấy làm vợ rồi sau đó chúng đưa các cô gái qua biên giới bán vào động mại dâm hoặc dụ dỗ những nam thanh niên trong tuổi lao động qua nước ngoài để bán nội tạng kiếm lời.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP), từ cuối 2015 đến giữa tháng 5/2018, toàn quốc phát hiện xảy ra 868 vụ mua bán người, với 1.140 đối tượng lừa bán 2.355 nạn nhân, giảm 28% so cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015, nhưng tăng 7% số nạn nhân. Tội phạm mua bán người diễn ra tại 63 tỉnh thành trên cả nước chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm 85% số vụ mua bán người), tập trung qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào. Trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 11%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga… bằng đường bộ, đường không và đường biển.
Ngày nay, tội phạm mua bán người triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và thông qua các trang mạng xã hội để nhắn tin kết bạn, giả vờ yêu đương rồi rủ rê, lôi kéo, hay đưa ra viễn cảnh về sự giàu sang, xa hoa của những “giấc mơ vàng trên vùng đất hứa” để lừa bán ra nước ngoài hoặc bán cho các nhà hàng, quán karaoke, động mại dâm, làm vợ, cưỡng bức lao động… Nạn nhân của các đối tượng mua bán người nhắm đến chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, nhất là học sinh của các trường học nội trú và tập trung ở những nhóm người có sự khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin, dễ mất cảnh giác…
Thậm chí chúng sử dụng tên giả, hình ảnh là cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhằm tạo lòng tin đối với nạn nhân; lập địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên giới để lừa bán ra nước ngoài hoặc thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài; cho, nhận con nuôi để lừa gạt, đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bán. Ðáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên hoạt động tìm phụ nữ có thai ngoài ý muốn, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh hoặc tổ chức các hoạt động mang thai hộ bất hợp pháp. Hoặc tuyển mộ người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hứa giới thiệu việc lương cao, sau đó bán cho các chủ tàu khai thác hải sản trên biển nhằm bóc lột sức lao động. Ðối tượng phạm tội đa dạng, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài khi trở về nước đã dụ dỗ, lừa bán người khác. Một số đối tượng làm ăn buôn bán trên biên giới lợi dụng thông thuộc địa hình để lừa nạn nhân bán ra nước ngoài. Nạn nhân bị mua bán từ khắp các địa phương trong cả nước, bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi lao động sinh sống từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khoảng 75% số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc.
Gần đây, trên không gian mạng nổi lên phương thức thủ đoạn mới là các đối tượng thông qua các nhóm “Hội cho và nhận con nuôi”, “Hội hiếm muộn con”, “Hội mang thai hộ”…trên mạng xã hội Facebook để thu thập thông tin, tìm kiếm những người phụ nữ sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi để gặp gỡ, thỏa thuận việc nhận con nuôi. Sau khi nhận được những đứa trẻ này, các đối tượng mang đi bán để hưởng lợi. Đặc biệt, xuất hiện các đối tượng hoạt động phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (mua bán thận) tại một số bệnh viện lớn trên cả nước... Chúng tiếp cận, làm quen với những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép để tiến hành môi giới, thậm chí tạo lập cả hội, nhóm kín để môi giới mua bán thận…
Có thể thấy, tình hình tội phạm mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người và công tác thi hành chính sách, pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật mới về tội phạm mua bán người và tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Bên cạnh đó, mỗi người dân chúng ta phải hết sức thận trọng, cảnh giác khi tham gia tương tác bạn bè trên mạng xã hội.
N.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét