Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Những lợi ích thiết thực từ việc triển khai Đề án 06

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Với mục đích phát huy cao nhất giá trị của dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp CCCD gắn chíp điện tử để phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.
Vậy Đề án 06 mang lại những lợi ích gì?
Đối với người dân và doanh nghiệp: Việc triển khai thực hiện Đề án 06 sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Khi đó sẽ khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân đồng thời thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của Nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
- Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc nhằm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin. Giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Để lưu trữ, quản lý các dữ liệu liên quan đến công dân trong trường hợp chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Ngoài ra, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư; quản lý các loại đối tượng hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành: Thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số theo yêu cầu của Tổng Cục thống kê đảm bảo nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) trên nền tảng bản đồ số, phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các chính sách khác.
Đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử…: Việc kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng. Bên cạnh đó, định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây, với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm; qua đó làm giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái số này. Căn cứ theo từng số định danh cá nhân của công dân sẽ được cấp mã bảo hiểm xã hội, mã bảo hiểm y tế giúp thông tin minh bạch, xác định được đúng đối tượng được hưởng chính sách.
Đến nay, Đề án 06 thực sự đã mang lại những hiệu quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình đề án đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu, đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 9/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, thúc đẩy triển khai có hiệu quả 3 dịch vụ công, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực (Nhất là đối với 3 dịch vụ công thực hiện trong tháng 5; đăng ký tốt nghiệp THPT trực tuyến; cấp hộ chiếu phổ thông online; đăng ký, cấp biển số xe mô tô tại cấp xã) được dư luận đồng tình, ủng hộ đánh giá cao. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai theo lộ trình… Điển hình, đồng bộ 27,1 triệu thông tin BHXH để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ BHYT trong khám chữa bệnh (Sau gần 3 tháng triển khai đã có 294.328 lượt người khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD với 45,6% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp).
Q.D

0 nhận xét:

Đăng nhận xét