Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

Giáo dục An ninh mạng vấn đề cấp thiết

Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 50 triệu người sử dụng Internet, chủ yếu tham gia các trang mạng xã hội như: Youtube (chia sẻ Video), Facebook (mạng xã hội), Twitter (tiểu Blog),… trong đó, thành phần tham gia chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên với thời lượng sử dụng mạng của các em thường phải tính bằng giờ, có những em mất 3h, 5h, 7h trên ngày để dùng mạng xã hội. Đây cũng là lực lượng tham gia nhiều nhất với sự vô tư và thiếu hiểu biết pháp luật của mình, nhiều em đã vô tình đăng tải, chia sẽ thông tin có tính chất thất thiệt, thậm chí xúc phạm người khác, hoặc vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân… mà không hề hay biết hành vi của mình tạo ra sự mất an toàn, an ninh trên mạng Internet, gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ trong đời sống xã hội.
Các hành vi vi phạm trên Internet chủ yếu do sự nhận thức vô tình hay cố ý không nhận biết được đúng sai hoặc “a dua” theo đám đông. Khi tham gia Internet, nếu không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được chính mình, dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào con đường tội phạm. Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng tham gia vào hệ thống mạng Internet có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, cần tăng cường thông tin chính thống đối với người tham gia Internet, đặc biệt là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên để điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia hoạt động trên mạng Internet nhất là đối với những trang mạng xã hội. Đặc biệt, kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, nhiều trường học đã chủ động trong việc tuyên truyền, dạy các em học sinh về các nội dung liên quan đến an ninh mạng, nhưng chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, giảng dạy thông qua các hoạt động ngoại khóa chứ chưa được đưa vào dạy chính thức. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24.11.2020 ban hành chương trình môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh cấp Trung học phổ thông, trong đó an ninh mạng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân.
Theo Bộ GD-ĐT, môn giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực chung được quy định trong chương trình tổng thể thông qua năng lực đặc thù của môn học là: năng lực nhận thức các vấn đề quốc phòng, an ninh và năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng quân sự đã học vào cuộc sống. Luật An ninh mạng sẽ là nội dung bắt buộc phải giảng dạy cho học sinh từ lớp 10 trong môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Quy định mới về nội dung học tập này đang nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội. Bởi tính thiết thực, hiệu quả mà nó mang lại.
Giảm nguy cơ từ mạng cho học sinh
Nhiều thầy cô giáo bao phen đau đầu khi học sinh truyền nhau xem video xấu, bình luận thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn là tình trạng bạo lực học đường, quay clip tung lên mạng. Ở độ tuổi lớp 10, các em học sinh có nhiều vấn đáng suy ngẫm như tình trạng bắt nạt qua mạng, xâm hại tình dục qua mạng và cách phòng chống. Kết quả khảo sát có 3/4 số người được hỏi cho rằng thấy tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng mạng Internet. Đặc biệt, rất nhiều học sinh tỏ ra lúng túng khi không thể trả lời được các câu hỏi “Làm thế nào để không bị đánh cắp và lợi dụng thông tin cá nhân?”, “Khi bị chat sex, bạn sẽ phản ứng như thế nào?” hay “Những điều gì bạn cần ghi nhớ khi mua bán online để không bị lừa?”... Nếu hiểu biết về luật và những việc phải phòng tránh sẽ rất tốt. Như vậy, việc giới thiệu, cung cấp thông tin về các luật như an toàn giao thông, phòng chống ma túy hay Luật an ninh mạng trước đây chỉ lồng ghép vào các tiết dạy giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa nay được đưa vào trong môn giáo dục quốc phòng và an ninh có thể đưa những nội dung này vào chính khóa thì rất tốt.
Giáo dục năng lực số
Chủ đề xuyên suốt quá trình học tập của học sinh nhằm giáo dục năng lực số bám sát bảy lĩnh vực trong khung năng lực số của UNESCO. Đó là năng lực sử dụng thiết bị số, năng lực xử lý thông tin trong môi trường số, năng lực giao tiếp trong môi trường số, an toàn trong quá trình làm việc, học tập trong môi trường số và cách giải quyết vấn đề khi có sự cố, định hướng nghề nghiệp trong môi trường số.
Những nội dung trên được thiết kế đưa vào nhiều môn học, nhiều nhất là môn tin học. Môn giáo dục quốc phòng và an ninh chỉ có hai tiết về an ninh mạng nhưng sẽ tập trung vào việc phổ biến các quy định liên quan tới bảo đảm an toàn khi sử dụng thiết bị số. Đây là những nội dung rất quan trọng và cần thiết đối với học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy, học trở nên phổ biến hơn.
Từ đó có thể thấy, việc đưa Luật an ninh mạng vào giáo dục là cần thiết. Các em sẽ biết cách dùng, cách ứng xử trên môi trường mạng xã hội vốn có rất nhiều phức tạp. Tuy nhiên, các bài học nên thực tiễn vì học sinh ngày nay dùng rất nhiều Internet trong học tập và cuộc sống. Mỗi ngày các bạn vào Facebook ít, từ 1-2 tiếng để học tập, giải trí, cập nhật tin tức. Các bài giảng không nên hình thức chỉ dẫn luật, dẫn quy định mà cần đưa ra nhiều ví dụ thực tế để các em hình dung rõ ràng về an ninh mạng ở Việt nam. Hiện nay học sinh lớp 6, lớp 7 cũng đã dùng điện thoại thông minh, thậm chí có bạn mới lớp 3, lớp 4 đã có tài khoản Facebook. Vì vậy có thể dạy những hiểu biết cơ bản cho các bạn về cách dùng mạng xã hội theo từng độ tuổi khác nhau, hướng dẫn các bạn đâu là những thông tin cá nhân nên được chia sẻ, đâu là những thứ bí mật để tránh bị lừa đảo.
T.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét