Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 19/7/2022 đã công bố báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới, trong đó đánh giá Việt Nam “không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể để làm vậy”. Mỹ cũng xếp Việt Nam vào nhóm 3, gồm những quốc gia có thể bị hạn chế nhận viện trợ từ Washington trong tương lai, cùng các nước như Brunei, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc và Cuba. Ngay lập tức Việt Nam chúng ta đã lên tiếng cho rằng báo cáo về tình hình mua bán người của Mỹ không phản ánh đúng thực tế về nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống nạn mua bán người. Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Bộ ngoại Mỹ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam, cũng như các bên liên quan, về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam chúng ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành và địa phương; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Ngày 18/7/2022, Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cùng ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Quy chế quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên, cũng như quy trình tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân mua bán người, bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân của họ khi có sự việc xảy ra. Trong lễ ký kết quy chế, Bộ Công an cho biết phần lớn nạn nhân buôn người bị bán sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, 20% sang các nước khác qua đường bộ, hàng không, đường biển. Từ năm 2011 đến nay, ngành công an đã xác minh, giải cứu hàng nghìn nạn nhân bị mua bán. Việt Nam có khoảng 5.000 km đường biên giới đất liền, tiếp giáp với ba nước gồm Trung Quốc ở phía bắc, Lào ở phía tây và Campuchia ở hướng tây nam. Ngày 04/7/2022, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều lao động Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia với chiêu trò dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” để người dân cả nước nâng cao cảnh giác phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người phi pháp.
Hiện nay, theo xếp hạng của Tạp chí kinh doanh, thương mại CEOWORLD (Mỹ), năm 2022, Việt Nam có chỉ số “chất lượng sống” đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 quốc gia, tăng 39 bậc so với năm 2021. Kết quả nghiên cứu của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN Sustainable Development Solutions Network) cho thấy Việt Nam xếp hạng 77 trong hơn 150 quốc gia tham gia khảo sát về chỉ số hạnh phúc. Chỉ số bình đẳng giới năm 2019 của Việt Nam được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố là 0,997, đứng thứ 65/162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Hay như ở khía cạnh giáo dục, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp Việt Nam ở vị trí 19 trong danh sách 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Và mới đây, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong top 50 quốc gia hòa bình nhất thế giới năm 2022 (xếp thứ 44, tăng 6 bậc so với năm 2021), theo báo cáo của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).
Thực tế diễn ra ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, báo cáo đánh giá về tình hình mua bán người của Mỹ là không chính xác và có thể trở thành chiêu trò để các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng xuyên tạc về “dân chủ, nhân quyền” của Việt Nam. Một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những kết quả toàn diện, từ bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã nhìn rõ điều này…Tình hình chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh thì không có lý do gì mà công tác phòng, ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người ở Việt Nam không làm tốt được. Do đó, Việt Nam chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để phản bác lại thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.
N.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét