Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

ĐỪNG PHA TRỘN CÁI ĐƯỢC VÀ CÁI KHÔNG ĐƯỢC TRONG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT

Ngày 25/6/2022 vừa qua trong Chương trình hoài niệm 60 năm ca hát của danh ca Khánh Ly diễn ra tại Mây - In The Nest, Phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thu hút khoảng 1.000 khán giả. Chương trình không chỉ để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán thính giả khi được thưởng thức những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ một chất giọng hay và đặc biệt của riêng danh ca Khánh Ly, nhưng càng khó phai hơn khi chương trình này trở thành tiêu điểm của sự quan tâm dư luận là sai phạm của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Mây Lang Thang (đơn vị tổ chức chương trình) đã để cho danh ca Khánh Ly hát ca khúc “Gia tài của mẹ” nằm trong tuyển tập “Ca khúc Da Vàng” của dòng Nhạc Trịnh khi ca khúc này chưa được cấp phép phổ biến, đồng thời không có trong danh sách 24 ca khúc được cấp phép biểu diễn trong chương trình. Sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã mời đơn vị tổ chức chương trình để làm việc và yêu cầu cung cấp giải trình về buổi biểu diễn cùng clip liên quan đến ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc ”Gia tài của mẹ ”để làm rõ vụ việc.
Năm 2013, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho công khai, phổ biến các ca khúc sáng tác trước 1975. Theo đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có công văn yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác thu thập các sáng tác trước 1975 và của những nhạc sĩ Việt Nam tại hải ngoại để tiến hành xét duyệt và công bố rộng rãi. 8 ca khúc trong tuyển tập “Ca khúc Da Vàng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được cấp phép phổ biến trong thời gian này, gồm: Cánh đồng hòa bình, Đồng dao hòa bình, Người mẹ Ô Lý, Nước mắt cho quê hương, Đôi mắt nào mở ra, Dựng lại người, dựng lại nhà, Ta thấy gì đêm nay, Chờ nhìn quê hương sáng chói. Riêng ca khúc “Gia tài của mẹ” nằm trong tuyển tập “Ca khúc Da Vàng” chưa được cấp phép phổ biến.
Hiện tại, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng cho biết đã làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng về vụ việc, sẽ có kết luận xử phạt cuối cùng trong thời gian tới.
Lợi dụng vụ việc này thì hàng loạt các trang mạng xã hội phản động đã truyền tải thông tin bêu riếu về sự vi phạm quyền dân chủ, tự do trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chúng cho rằng ca sĩ được quyền trình bày các ca khúc do mình lựa chọn và khán giả được quyền thưởng thức âm nhạc theo nhu cầu của mình. Chúng đưa ra quan niệm ủng hộ ca khúc “Gia tài của mẹ” khi cho rằng: “Sau nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh giữa hai miền nam bắc, gia tài của mẹ Việt Nam để lại cho những đứa con là đất trống đồi núi trọc kèm theo lũ quét và sạt lở đất...Sau nửa thế kỷ quăng mìn, kích điện và xả thải, mẹ Việt Nam để lại các thế hệ sau là những vùng nước ô nhiễm với tôm cá to như đầu que diêm cũng đủ để làm ngư dân tranh nhau đánh bắt. Sau nửa thế kỷ mạnh chủ tịch nào chủ tịch ấy thay đổi quy hoạch, thì gia tài mẹ Việt Nam để lại những đứa con là những đại đô thị nhấp nhô thương tật mà không tắc đường thì chìm trong ngập úng... là rừng hết, biển chết, tài nguyên cạn kiệt, nông thôn nghèo khó với đô thị hỗn loạn, cùng với khối doanh nghiệp quốc doanh vừa làm vừa lỗ và một chính quyền dầy đặc ban bệ hội nhóm ăn không ngồi rồi luôn tìm cách chấm mút ngân sách với đống nợ công khổng lồ…”
Với những lời lẻ thâm độc chúng tiêm nhiễm vào dư luận để kêu gọi sự ủng hộ cho những ca khúc chưa được cơ quan chức năng cấp phép, để thực hiện âm mưu phá hoại tư tưởng của một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, lôi kéo họ ủng hộ cho hoạt động chống phá chế độ của chúng ta.
Do đó, chúng ta hãy là những khán thính giả biết chọn lọc kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những tác phẩm xấu, những tác phẩm chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành để giữ gìn nét đẹp, trong sáng của nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, đánh đổ ý đồ “mưa dầm thấu lâu” bằng phương pháp tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch.
N.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét