Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

VÌ AN TOÀN GIAO THÔNG HÃY NÓI KHÔNG VỚI NỒNG ĐỘ CỒN RƯỢU, BIA

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Hơn lúc nào hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia. Tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia luôn là vấn đề của toàn xã hội. Tại Việt Nam, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới từ 15 - 49 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo sơ kết 3 năm thi hành quy định về kiểm soát nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/8/2023.
Nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông do bia rượu gây ra, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Trong đó, giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Công điện yêu cầu các Bộ, ngành cơ quan liên quan kiên trì tuyên truyền Nhân dân thực hiện nghiêm túc “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Tuân thủ quy định về tốc độ”…
Trong quá trình triển khai thực hiện lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, do hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng “ma men” ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn chặn việc xử lý mà đôi khi còn chủ động khiêu khích tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, hành vi phạm tội thường rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật. Đáng lưu ý, một số người dân, thanh thiếu niên có thái độ thiếu tôn trọng, chống đối, có trường hợp các đối tượng vừa chống đối vừa lôi kéo người khác cùng tham gia, vừa tìm cách làm mất uy tín của lực lượng thi hành công vụ. Một số vụ việc chống người thi hành công vụ và đã bị xử lý hình sự xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hải Phòng… vừa qua, khi bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn thì người vi phạm đã điều khiển ôtô, xe máy đâm thẳng vào các cán bộ, chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ đã thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật…Việc chấp hành pháp luật về rượu, bia cần được chung tay góp sức, đồng lòng của người dân và kiên quyết lên án những hành vi chống người thi hành công vụ, để không xảy ra các trường hợp đáng tiếc xảy ra khi bị “ma men” đưa đường dẫn lối, dẫn đến sai phạm khi hối hận thì đã muộn.
Do đó rất cần các ngành chức năng và chính quyền các cấp, gia đình, nhà trường và xã hội cùng phối hợp vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân viên và người dân khi điều khiển xe phải chấp hành nghiêm túc pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không vi phạm nồng độ cồn, từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, xây dựng văn hóa “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.

Anh Bảy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét