Việt Nam, là đất nước có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, tỷ lệ dân số có tín ngưỡng, tôn giáo không nhỏ, do đó Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền này, đồng thời bác bỏ những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho nhân dân mà trọng tâm là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Từ cơ sở của đạo luật này, Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định quan trọng, gần nhất là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/12/2023 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Không chỉ vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng được lồng ghép trong các văn bản pháp luật quan trọng khác như Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và mới đây là Luật Đất đai năm 2024. Qua đó, nhiều vấn đề mới đã được ban hành nhằm củng cố, nâng cao quyền của người theo tôn giáo đang sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam như quyền bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng của phạm nhân; chính sách nhà nước giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo…
Nhờ vào các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trở nên phát triển, phong phú và đa dạng hơn. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay có hơn 27 triệu người Việt Nam tham gia sinh hoạt trong 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành trực thuộc 16 tôn giáo. Con số này cho thấy sự tăng trưởng đáng kể, minh chứng cho sự tự do và phát triển của tôn giáo tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xóa bỏ những định kiến sai lầm về tình hình tôn giáo trong nước. Trong năm 2023, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tạo điều kiện cho hơn 300 lượt chức sắc, chức việc và nhà tu hành tham gia các hội nghị, hội thảo và khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài. Đồng thời, các ban, bộ, ngành và chính quyền địa phương đã hỗ trợ cấp phép cho gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo, tổ chức các sự kiện lớn như Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu của Giáo hội Công giáo Việt Nam; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Lễ hội “Xuân yêu thương” của các Hội thánh Tin lành Việt Nam…
Đặc biệt, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có những bước tiến đáng kể. Việc bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam vào năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương. Các cuộc gặp gỡ và đối thoại với các đại diện của Hoa Kỳ, bao gồm Bộ Ngoại giao và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cũng giúp thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo.
Những kết quả nêu trên là minh chứng không thể phủ nhận khi đề cập vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch. Vụ việc như “Tịnh Thất Bồng Lai” thường bị lợi dụng để bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế, vụ việc này đã được xét xử công khai, minh bạch và đúng người, đúng tội, nhưng vẫn bị một số tổ chức, cá nhân sử dụng như bằng chứng để vu khống Việt Nam đàn áp tôn giáo.
Thời gian gần đây, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) thường xuyên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; tổ chức các hội thảo, diễn đàn thảo luận trên mạng xã hội với chủ đề “tự do tôn giáo tại Việt Nam”. Thành phần tham gia là cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đã bị xử lý và cá nhân trong tổ chức tôn giáo không được pháp luật công nhận, thậm chí đang bị chính quyền đưa vào diện xóa bỏ do liên quan đến yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi gây ảnh hưởng xấu trong đời sống xã hội. Cuối năm 2023, tổ chức BPSOS đã thành lập cái gọi là “Đề án dân quyền Việt Nam”, đưa ra “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”, đăng tải trên Facebook “Bàn tròn tôn giáo Việt Nam” phục vụ mục đích chống phá chính quyền Việt Nam trên không gian mạng.
Trong báo cáo về tự do tôn giáo tại Việt Nam năm 2024, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) có những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước”; chỉ trích chính quyền và Công an Việt Nam; USCIRF sử dụng thông tin trong báo cáo này chủ yếu từ nguồn thiếu kiểm chứng, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng cực đoan, móc nối với các phần tử chống đối trong nước nên luôn thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều này không chỉ gây tổn hại đến uy tín của Việt Nam mà còn làm giảm giá trị và tính chính xác của các báo cáo này.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo. Các chính sách và biện pháp cụ thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực hợp tác quốc tế để xóa bỏ những định kiến và bác bỏ những luận điệu sai lệch.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là nền tảng quan trọng để xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại và hợp tác với các tổ chức quốc tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để cùng tìm ra giải pháp cho những vấn đề còn khác biệt. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực tôn giáo không chỉ phản ánh nỗ lực của Chính phủ mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết và hợp tác của toàn thể nhân dân Việt Nam.
P.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét