Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam - một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) Việt Nam. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927) Người viết: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Từ quan điểm, tư tưởng nhất quán đó, ngay sau khi giành được chính quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động. Người chỉ rõ: “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc công tác kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù”. Cùng với vấn đề chăm lo bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công đoàn là phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân và phải xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về công đoàn đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là những tài sản vô giá cả về lý luận và thực tiễn cho Công đoàn Việt Nam trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng với vị trí, vai trò của tổ chức trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngày nay, công đoàn cơ sở (CĐCS) không chỉ đảm bảo quan hệ hài hòa của NLĐ và người sử dụng lao động mà còn là nơi giải quyết những khúc mắc của NLĐ với doanh nghiệp, như tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc tổ chức bữa ăn ca, chế độ phúc lợi cho NLĐ; về môi trường làm việc, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ; hệ thống bảo hộ sức khỏe và trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động theo đúng công việc cho NLĐ. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ NLĐ khó khăn để hỗ trợ NLĐ cải thiện cuộc sống; hàng năm mở rộng và nâng cao chất lượng Chương trình “Tết sum vầy”, hoạt động “Tháng Công nhân” nhằm thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ; diễn đàn đối thoại “Doanh nghiệp vì NLĐ, NLĐ vì doanh nghiệp”, hoạt động “Cảm ơn NLĐ”, kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề NLĐ quan tâm, bức xúc. Nhờ đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của NLĐ được nâng lên; tiền lương, môi trường lao động được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của NLĐ.
CĐCS tham gia hỗ trợ khi doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại lao động, nhân sự hoặc cải tiến đầu tư, công nghệ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; có thể thay chủ doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; phản ảnh ý kiến động viên, khuyến khích NLĐ tự giác, có ý thức trong lao động, sản xuất qua đó giúp doanh nghiệp trong việc sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn lực, cũng như chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, CĐCS đã tích cực, chủ động phối hợp chính quyền, doanh nghiệp thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, đại diện cho NLĐ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, đôn đốc doanh nghiệp mua Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng chương trình định kỳ khám sức khỏe hàng năm cho NLĐ; là nơi giải quyết những khúc mắc của NLĐ với doanh nghiệp và tham gia ý kiến với doanh nghiệp trong việc bảo đảm các lợi ích chính đáng của NLĐ, tạo niềm tin, sự gắn bó giữa doanh nghiệp và NLĐ.
Bên cạnh đó, CĐCS hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể; trong trường hợp xảy ra tranh chấp như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công thì CĐCS sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của NLĐ với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập, trung gian giải quyết tranh chấp lao động, hạn chế NLĐ tự ý bỏ việc. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn giúp doanh nghiệp giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ của NLĐ, từ đó sẽ hạn chế cao tai nạn lao động, bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, thỏa ước lao động.
Các cấp công đoàn chủ động đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút NLĐ trong các thành phần kinh tế, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; quan tâm đoàn kết, tập hợp NLĐ người dân tộc thiểu số, người có đạo bằng những hình thức phù hợp, thiết thực để NLĐ tự nguyện tham gia, thành lập CĐCS.
Trong thời gian tới đây, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, không ít khó khăn, thách thức. Những tác động của suy thoái kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phê chuẩn và thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần và tư tưởng của NLĐ; đến việc tập hợp NLĐ và phương thức tổ chức, hoạt động của công đoàn… Đây là một thách thức không nhỏ đối với tổ chức công đoàn. Do đó CĐCS phải tích cực đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với NLĐ theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đó là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, NLĐ và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ”.

Liên đoàn - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét