Sau hơn 10 năm thi hành kể từ ngày 01/01/2013, Luật Công đoàn sắp hoàn thành sứ mệnh của mình với vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị-xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, đó là: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về tài chính công đoàn chưa được bổ sung cụ thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch. Cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao…
Mặt khác, trước yêu cầu của thực tiễn đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến nay đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật Công đoàn để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời khẳng định vai trò chủ lực, định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới.
Một trong những nguyên tắc kiên định, trong quá tình sửa đổi Luật Công đoàn cần đảm bảo đó là phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả; tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) hiện được xây dựng có bố cục gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời, bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.Về đối tượng áp dụng, ngoài đối tượng theo Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (đối với việc gia nhập vào Công đoàn Việt Nam và chia sẻ kinh phí công đoàn).
So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu như sau: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Tại Kỳ họp thứ 7 (hôm 3/6/2024 vừa qua), Quốc hội đã được nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thời gian tới, sau khi Luật Công đoàn sửa đổi được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như hoàn thành các cam kết khi gia nhập CPTPP, EVFTA.
Lan Anh - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét