Đại hội XIII của Đảng xác định, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong ba khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Văn kiện cũng nhấn mạnh “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Từ đó, đặt ra yêu cầu “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”.
Xuất phát từ nghĩa vụ quan trọng và cơ bản “định ra các đạo luật” xác định quyền con người và quyền công dân, quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.Việc xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính là sự cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng, thể chế hóa các quyền hiến định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều 28, Hiến pháp năm 2013 tái khẳng định quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân và bổ sung: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Việc bổ sung này đã ràng buộc nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân nói chung, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng; qua đó, bảo đảm để quyền này của người dân được thực hiện trong thực tế.
Thời gian qua, mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được thắt chặt, giữ vững nhưng nước ta vẫn phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức tiềm ẩn, đe doạ đến sự ổn định và phát triển. Đặc biệt, các thế lực thù địch luôn thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta, tập hợp lực lượng, kích động chống phá ngay từ cơ sở. Trên thực tế, một số tình huống phức tạp nảy sinh ở một số địa bàn, cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng và chưa phát huy hết vai trò của lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở. Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, việc giữ vững ANTT ở địa bàn cơ sơ đóng vai trò then chốt. Bởi vậy, sự ra đời của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở. Ngày 1/7 vừa qua, các địa phương trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định địa vị pháp lý, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bên cạnh lực lượng công an chính quy hiện nay, Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo quy định của pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có 6 nhóm nhiệm vụ gồm: hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.
Trên thực tế cho thấy, những vụ việc, hiện tượng liên quan đến ANTT phần lớn đều xảy ra tại các địa bàn cơ sở, xuất phát từ cơ sở, do đó công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, là nhiệm vụ tất yếu của đất nước. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không phải là lực lượng được ra đời mới hoàn toàn. Về mặt bản chất, đây là sự điều chỉnh lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động ở địa bàn cơ sở từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bao gồm Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng. Thực tế cho thấy, lực lượng này góp phần quan trọng trong đấu tranh làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ bình yên của Tổ quốc. Bởi vậy, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh từ thực tiễn, việc thống nhất các lực lượng kể trên thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Do đó, không hề có chuyện “chính quyền gia tăng lực lượng để đàn áp người dân” “lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là gánh nặng cho người dân”, “lập thêm lực lượng để bòn rút nhân dân”… như luận điệu độc hại mà các đối tượng thù địch tung ra.
Trái ngược với những luận điệu sai trái, thù địch của các đối tượng phản động, chống đối; các học giả, nhân sỹ, trí thức, chuyên gia pháp luật và nhiều người dân rất đồng tình, ủng hộ đối với Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khẳng định việc ban hành Luật này là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi công tác bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, Luật đã được Bộ Công an nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, bảo đảm không làm tăng biên chế của Bộ Công an, không tăng chi ngân sách nhà nước, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng: “Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở”.
Phuwanensis
- Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét