Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

Bài 3: Giải pháp thúc đẩy bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đang ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Hiện nay, cả nước có 16 tôn giáo với 36 tổ chức được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là tổ chức tôn giáo; 4 tổ chức và 1 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Tổng số tín đồ các tôn giáo ở nước ta hiện nay vào khoảng 26,5 triệu người (chiếm 27% dân số), với hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.800 cơ sở thờ tự. Cả nước hiện có trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng với khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm một số loại hình tín ngưỡng và di tích đã được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng và sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có tôn giáo, đặt ra những thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp hợp lý, đồng bộ để đảm bảo cho mọi người được hưởng thụ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn.
Để thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm thông qua giáo dục chính thức (nhà trường), các loại hình thông tin đại chúng (sách, báo, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...), các lớp bồi dưỡng, tập huấn, thuyết giảng, tọa đàm, hội thảo, hội nghị,…
Việc hiểu biết một cách đầy đủ, đúng đắn về quyền do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là điều kiện tiên quyết để bảo vệ và thúc đẩy quyền này một cách hiệu quả.
Hai là, phát huy các giá trị nhân văn và nguồn lực của các tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Việc phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo sẽ góp phần giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực của các tôn giáo thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước hiện nay.
Ba là, bảo đảm hài hoà giữa việc hưởng thụ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Là một quyền cơ bản của con người, song quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối mà khi hưởng thụ quyền này, chủ thể quyền đồng thời phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Như vậy, khi hưởng thụ quyền này, các tổ chức, cá nhân cần nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để hành xử phù hợp, trong giới hạn pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có thẩm quyền cũng cần nhận thức rõ và tuân thủ nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; không được tuỳ tiện hạn chế hay tước bỏ quyền này trái với quy định của Hiến pháp, các điều ước quốc tế về nhân quyền có liên quan mà Việt Nam đã tham gia và với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo./.

P.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét