Môi trường mạng đang hiện hữu các loại tội phạm từ lừa đảo công việc, lừa đảo thương mại điện tử, lừa đảo cuộc gọi bạn bè giả mạo, đến các chiêu trò lừa đảo phần mềm độc hại, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của các nạn nhân chủ quan.
Ngoài những thủ đoạn lừa đảo như cuộc gọi video deepfake (kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật); giả danh cơ quan thuế, công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử…, gần đây nở rộ hình thức lừa đảo chiếm quyền trợ năng trên điện thoại. Cụ thể như trường hợp ông M.C, sống tại TP.HCM sử dụng điện thoại nền tảng Android, do lớn tuổi không nhìn thấy rõ đường link (đường liên kết) lạ đã cài đặt ứng dụng có chứa mã độc “DichVuCong.apk” do kẻ giả mạo công an hướng dẫn, từ đó bị chiếm quyền điện thoại cùng các tài khoản chứng khoán và tài khoản ngân hàng trên thiết bị di động này.
Một minh chứng khác cho thấy, theo thống kê, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như một số bộ ngành, các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, dịch vụ công…
Thời gian vừa qua, các chuyên gia đã phát hiện và đưa ra nhiều cảnh báo về những ứng dụng độc hại được phát triển trên các kho ứng dụng. Theo đó, các ứng dụng này chứa các mã độc nguy hiểm, một số có khả năng giúp tin tặc giành quyền kiểm soát thiết bị của nạn nhân từ xa. Hiện, các loại mã độc này đang tập trung tấn công vào nhiều ứng dụng ngân hàng. Vì vậy, người dùng cần hết sức cẩn trọng khi tải và sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động của mình.
Nâng cao cảnh giác với tội phạm trên không gian mạng: Chỉ cài đặt các ứng dụng từ nguồn chính thống, rõ nguồn gốc có trong kho ứng dụng (đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng do đối tượng cung cấp. Không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định (trên điện thoại Android) gây nguy cơ mất an toàn cho thiết bị; Đề cao cảnh giác, bảo vệ thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ; không mua bán, trao đổi tài khoản ngân hàng của cá nhân cho các đối tượng; Khi phát hiện các đối tượng gọi điện giả danh Công an hướng dẫn cài đặt các phần mềm hoặc dụ dỗ, lôi kéo mua bán tài khoản ngân hàng thì báo ngay với Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
Trường hợp nếu đã lỡ tải về và cài đặt các ứng dụng chứa mã độc trên điện thoại, người dùng cần nhanh chóng gỡ bỏ chúng ra khỏi thiết bị, thay đổi mật mã các ứng dụng ngân hàng điện tử. Đồng thời, tránh xa những ứng dụng không rõ nguồn gốc, không vào các trang web, ứng dụng có hình thức quảng cáo lừa đảo để cài phần mềm độc vào máy điện thoại và hãy cảnh giác với các tệp đính kèm và đường liên kết lạ.
Tiến Công
0 nhận xét:
Đăng nhận xét