Lối sống hiện đại “Âu hóa” (hay còn gọi “Tây hóa) thường được hiểu là việc tiếp thu các giá trị, thói quen và phong cách sống của các quốc gia phương Tây vào cuộc sống hàng ngày. Điều này có thể bao gồm việc chấp nhận các chuẩn mực văn hóa, thẩm mỹ và thậm chí cả cách thức tư duy của người Âu-Mỹ. Những giá trị này thường được thể hiện qua các xu hướng thời trang, lối sống tiêu dùng và thậm chí là cách giao tiếp xã hội. Một trong những biểu hiện đáng báo động trong bối cảnh hiện đại, đó là một số bạn trẻ đã đưa ra một cái nhìn khác về hiện đại, “Âu hóa”, coi nó như một phương tiện để thể hiện sự tự do cá nhân mà không quan tâm đến các giá trị truyền thống và giá trị cốt lõi của con người.
Những năm gần đây, văn hóa nước ngoài đã và đang xâm nhập một cách ồ ạt vào Việt Nam. Chủ thể đón nhận những làn sóng văn hóa ngoại nhập một cách hồ hởi chủ yếu là tầng lớp trẻ. Nếu việc tiếp thu có chọn lọc thì sẽ không có gì đáng báo động, đằng này một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách thụ động, thiếu chọn lọc đã và đang để lại những hậu quả khó lường. Bản chất của văn hóa là hướng tới chân - thiện - mỹ, ngày càng toàn diện và có tính quốc tế hơn. Song trong quá trình lịch sử của mình, văn hóa còn có những “bước lùi”, mà một trong những “bước lùi” đó chính là mặt trái của quá trình tiếp nhận văn hóa nước ngoài, là nhận thức và thái độ chưa đúng của giới trẻ đối với văn hóa truyền thống.
Trong lối sống hôn nhân của nhiều bạn trẻ ngày nay thể hiện rất rõ những vấn đề tiêu cực trong quá trình tiếp thu văn hóa nước ngoài. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là đề cao trinh tiết của người phụ nữ, cái tình đi đôi với cái nghĩa, tình có thể hết nhưng nghĩa thì bền chặt... Còn bây giờ, giới trẻ đang dậy lên những trào lưu như “sống thử”, “sống gấp”... Bên cạnh đó, thói quen tiêu xài hoang phí và theo đuổi những lợi ích vật chất, lối sống thực dụng là nét không đặc trưng cho con người Việt Nam cần, kiệm. Nhiều bạn trẻ lười học tập, lười lao động lại muốn mau chóng nổi tiếng nên tự tạo “scandal” cho mình. Tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người phụ nữ phương Đông truyền thống là “công, dung, ngôn, hạnh” bị biến dạng, nhường chỗ cho sự táo bạo, phô trương, thậm chí thác loạn... Có ý kiến cho rằng, một số thanh, thiếu niên không nhận thức đầy đủ về văn hóa thẩm mỹ của dân tộc, dẫn đến thị hiếu sai lệch, lệch chuẩn về giá trị đạo đức.
Trong lĩnh vực giải trí, giới trẻ đang bị cuốn hút và mải mê chạy theo những trào lưu du nhập từ nước ngoài, thậm chí vấn đề đã lên đến mức báo động. Sức trẻ cộng với tâm lý thích khám phá những điều mới lạ, bắt kịp các trào lưu đang thịnh hành trên thế giới, như: manga (truyện tranh Nhật Bản), anime (phim hoạt hình Nhật Bản), thời trang Kawaii (Nhật Bản), thời trang Hàn Quốc... Nhiều bạn trẻ không ngại ngần chạy theo cả những trào lưu độc dị khiến chúng ta không khỏi giật mình, như hát cùng dao kéo, chụp ảnh quái đản, “hot boy” giả gái, nuôi thú độc...
Điều đáng chú ở đây là sự lan truyền của lối sống hiện đại một cách tiêu cực này đang được thúc đẩy bởi các mạng xã hội, cụ thể là TikTok và Facebook Reel,… Không khó để có thể bắt gặp những video xu hướng và trào lưu “gợi dục, khoe thân” mà họ gọi đây là “sống chất”. Đặc biệt thay vì họ tẩy chay các trào lưu này thì phần lớn họ lại khuyến khích và không ngừng khen ngợi, ngày càng nhiều những “nhà sáng tạo nội dung” “chất” ra đời. Có thể mọi người xem đây là giải trí nhưng mà các bạn thử nghĩ xem nếu các em nhỏ xem được và làm theo thì sao. Thứ các em nhỏ đáng lẻ xem được phải là các video về Anh hùng dân tộc, giáo dục thì các em xem được là các video “gợi dục”.
Hệ lụy của sự biến tướng này không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Khi hiện đại “Âu hóa” bị hiểu sai theo cách này, nó sẽ tạo ra một thế hệ yếu kém, một xã hội thực dụng, với những con người “sáo rỗng”.
Lan Anh - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét