Mặc dù đã có thời gian tự tu tập và lựa chọn đi bộ hành khất từ Nam chí Bắc suốt 6 năm nay, ông Lê Anh Tú được mọi người gọi là Thích Minh Tuệ bỗng “nổi như cồn” trên khắp các trang mạng xã hội và được mọi người ca tụng là một “chân tu”. Thế nhưng, lợi dụng hình ảnh này các trang thông tin phản động, những cá nhân, tổ chức nước ngoài chống phá đã rêu rao những luận điệu gây chia rẽ các tôn giáo và những cá nhân có mục đích xấu đã lợi dụng hình ảnh kiếm tiền bất chấp.
Lợi dụng sự ít am hiểu của không ít người dân, những thành phần thích sử dụng mạng xã hội câu “like”, kiếm “view” như Facebooker, Youtuber, Tiktoker hay những người có sự ảnh hưởng đã đăng tải nhiều bài viết, nhiều thước phim mang lời lẽ miệt thị chư tăng ở các chùa, kèm theo luận điệu rằng tu hành theo kiểu không chùa, không cúng dường, từ bỏ vật chất, tiện nghi như ông Minh Tuệ mới là “chân tu”.
Chính ông Lê Anh Tú đã giải thích, đây là con đường tu tập mà ông tự do lựa chọn, không tự xưng mình là “thầy” cũng không thuộc bất kỳ tổ chức nào. Sự thật rằng đây không phải là một trường hợp dị biệt, thế nhưng bằng sự thổi phồng của những người dùng mạng xã hội mà nó trở nên khác thường, và được dẫn dắt bằng những luận điệu xuyên tạc, chống phá như: “Không làm chùa, không cúng dường, thì làm sao có tiền”, “không có những facebooker, tiktoker, đưa thông tin chân thực như thế này, chúng ta còn bị dắt mũi đến bao giờ”,...
Chúng ta đã quên rằng việc tu hành rất cần sự tĩnh tâm, yên ổn, không ồn ào, tránh bị làm phiền,...vậy mà suốt 6 năm qua không có ai quan tâm, nay ông Lê Anh Tú lại là trung tâm của sự chú ý, ồn ào náo nhiệt vây quanh không ngớt, người người “học đòi” theo tu tập, “hộ pháp”, đòi xách “ruột nồi cơm điện” theo chân vị sư “khổ hạnh” này...gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh, kể cả khi ông đã chọn ẩn tu để tránh bị làm phiền, vẫn có những con “cú vọ” dõi theo không ngừng.
Nhiều người dân đã không khỏi thấy phẫn nộ khi có quá nhiều kẻ đã lợi dụng hình ảnh của ông để câu like, câu view bán hàng, kiếm lợi nhuận không ít từ sự kiện này.
Thậm chí, khi ông trở về mảnh đất Gia Lai thăm cha mẹ và gia đình rồi rời đi, thì những người thân của ông vẫn phải chịu cảnh bị làm phiền mọi lúc, tệ hơn nữa là họ còn tổ chức ăn uống tại nhà, chụp hình, phỏng vấn bất chấp gia chủ có cảm thấy mệt mỏi hay phiền não hay không.
Đừng để bị dẫn dắt!
Trong các cuộc phỏng vấn chính thức với ông Lê Anh Tú, ông luôn nói rằng bản thân không chủ động lôi kéo sự chú ý của dân chúng. Khi có người xin đi theo, ông không xua đuổi cũng không mời, chỉ là bản thân người đó cảm thấy an lạc hay hạnh phúc thì cứ tùy theo ý nguyện của mình.
Mặc dù mục tiêu tu hành của ông là tự do và chân chính, nhưng sự phiền nhiễu, quấy rối gây mất trật tự chỉ tăng dần đều mà không thuyên giảm, ông Lê Anh Tú đành quyết định ẩn tu. Đứng trước việc mất đi “miếng mồi” ngon để câu like, câu view như thế, các đối tượng chống phá, xuyên tạc đã thừa cơ đẩy cao trào câu chuyện bằng việc đưa ra luận điệu sai trái về các chính sách tôn giáo ở Việt Nam, rằng đó là “phân biệt đối xử, là đàn áp tôn giáo”, bịa đặt việc ông Lê Anh Tú bị bắt bớ, buộc dừng việc tu tập...
Đứng trước quá nhiều sự bịa đặt, ông Lê Anh Tú cũng đã có sự xuất hiện để phân trần cho mọi người hiểu thấu những gì đã xảy ra, đập tan những thông tin sai lệch được tạo dựng: "Tinh thần và sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn đảm bảo học theo lời Phật dạy. Không có người dân đông hay những việc không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, an toàn xã hội thì con vẫn học tập ở ngoài, không có gì thay đổi cả. Nhưng giờ nguyện vọng học tập của mình mà người dân ra làm ách tắc, mình đi không được thì mình cũng nên dừng. Con cũng mong muốn khi mình đi ra đường, mọi người đừng tập trung như thế làm ảnh hưởng buộc mình không học được nữa. Họ đi theo để quay phim với làm những việc kiếm tiền hay gì đó thì không phù hợp".
Từ hiện tượng Lê Anh Tú nhiều mặt trái được phơi bày những thành phần chuyên đăng tải thông tin không đúng, sai lệch cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; những cá nhân đi theo “hộ pháp” hay tự xưng đệ tử của Thích Minh Tuệ có người phải từ bỏ, thậm chí là thiệt mạng vì không lượng sức mình; những bộ mặt câu like, câu view vì lợi ích kinh tế cũng dần lộ diện ra....
Bên cạnh những mặt trái đó, ta cũng thấy được có nhiều người trở nên hiểu rõ hơn về Phật pháp, về đạo lý, về việc hướng thiện và tu tập phải xuất phát từ tâm của bản thân mình, dù ở bất cứ nơi đâu, đó cũng là nhu cầu chính đáng của tất cả người dân và được pháp luật bảo vệ.
Với một thế giới phẳng như hiện nay, chúng ta có quyền được tiếp nhận thông tin đa chiều, thế nhưng mỗi người phải luôn bật cho mình một chiếc công tắc cảnh báo những điều sai lệch, tỉnh táo nhận thức được đâu là thông tin “dắt mũi”, lời lẽ bịa đặt đến từ những thành phần chống phá nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Nếu không, có thể một trong số chúng ta sẽ trở thành “hiện tượng mạng” để các Youtuber, TikToker lợi dụng kiếm chác bất chấp mà không quan tâm đến hậu quả có thể gây ra cho xã hội.
NgoDi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét