Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, gắn liền với sự phân hóa quyền lực, được biểu hiện thông qua việc người có chức vụ, quyền hạn sử dụng quyền lực được giao để thực hiện hành vi vụ lợi, sai trái, xâm phạm đến lợi ích của tập thể.
Không chỉ riêng Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối diện với nguy cơ tham nhũng xảy ra. Nhận thức rõ tác hại của tham nhũng, ngày 31/10/2003, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tham nhũng (UNCAC). Tính đến cuối năm 2023, Công ước này có sự tham gia của 190 quốc gia (189 quốc gia thành viên và một tổ chức thành viên) trong tổng số 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự rèn luyện, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được đưa ra xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe. Nhờ đó, từ một Đảng cách mạng non trẻ, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta không ngừng phát triển, trưởng thành, luôn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Một trong những phẩm chất quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có là: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Về trách nhiệm nêu gương, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu.
Do đó, thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện các giải pháp gắn với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, trọng tâm là:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện công khai minh bạch các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định; triển khai đầy đủ, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả, nhất là việc nhận diện nhận diện kiểm soát xung đột lợi ích, thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát xung đột lợi ích.
2. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, Đảng cũng chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí cũng như hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin gắn với quyền tiếp cận thông tin của công dân theo pháp luật để phát huy vai trò giám sát của xã hội và người dân; đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng để khuyến khích người dân, xã hội, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cùng chung tay với nhà nước trong công tác PCTN.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh những phản ánh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, dư luận quan tâm, nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, ở lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai sót, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm; nâng cao chất lượng nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn phản ánh, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý tố giác, tin báo tội phạm nhằm phát hiện các hành vi tham nhũng, sai phạm kinh tế; kết luận, làm rõ và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trên tinh thần quyết liệt, sai đến đâu kiến nghị xử lý đến đó theo quy định của Đảng, Nhà nước; nhất là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Phối hợp thực hiện có hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo đảm bảo thời gian theo quy định, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó kiên quyết chuyển xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan đơn vị khi phát hiện hành vi tham nhũng. Ngoài ra, các cấp, các ngành liên quan tiếp tục phát huy những kết quả đạt và khắc phục các hạn chế, thực hiện đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó có các biện pháp nêu trên./.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng được đẩy mạnh trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước ta thấy rõ “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Chính vì vậy, để giữ vững vai trò là đảng cầm quyền, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, cấp ủy Đảng các cấp cấn tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực./.
Lan Anh - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét