Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

Trong những năm trở lại đây, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người. Tuy nhiên, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi”, một mặt mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực; mặc khác, với tính chất “mở”, mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động tiến hành thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước. Điều này đặt ra không ít thách thức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ trương, đường lối của Đảng, thành quả của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Chống phá Đảng, Nhà nước được hiểu đơn giản là tiến hành các hoạt động chống phá trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng như phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ mọi thành quả của cách mạng Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta đã dày công vun đắp, tạo dựng. Nhưng thực tiễn đã khẳng định, không một thế lực nào có thể hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Một trong những phương thức mà các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, chống phá có hiệu quả nhất hiện nay, đó là mạng xã hội (MXH). Việt Nam là nước có số người dùng Internet và MXH thuộc top đầu trên thế giới, với hơn 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số); hơn 55 triệu người dùng MXH (chiếm 57% dân số) và 436 MXH đang hoạt động, đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng MXH nhiều nhất thế giới. Cùng với những giá trị tích cực, MXH cũng bộc lộ những mặt trái và hệ lụy của nó đối với sự phát triển của đất nước. MXH được ví như “con dao hai lưỡi” ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc, có thông tin sai trái như: xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta trên mọi lĩnh vực. Tác hại của những thông tin xấu độc trên MXH do các thế lực thù địch tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Hiện nay một số thành phần cá biệt có tư tưởng, niềm tin đi ngược với quy luật tiến hóa của xã hội, lội ngược dòng, không thích hợp với thời đại mới, xã hội mới, ôm hận thù quá khứ, mang nặng thành kiến, không thực tế, có khả năng gây hại cho quyền lợi người khác và đất nước. Với tư tưởng lạc hậu, chỉ khư khư ôm lấy hào quang quá khứ, không chịu vận động, không chịu chấp nhận sự thay đổi, bảo thủ, trì trệ, lỗi thời, không tiến kịp với tầm phát triển và thay đổi của thế giới. Chúng bị lôi kéo, tiêm nhiễm các nội dung sai trái trên MXH bởi các thế lực phản động phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, nói xấu, bôi nhọ các lãnh tụ của Đảng, xuyên tạc công cuộc đổi mới ở nước ta, vu cáo Việt Nam không có dân chủ, vi phạm nhân quyền; ca ngợi, tán dương hình mẫu “dân chủ, tự do” Tư bản. Bên cạnh những suy nghĩ và hành động đó của các phần tử xấu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội ngày nay, để lại nhiều hậu quả đáng kể.
Thứ nhất, chúng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, chúng kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, làm phai mờ những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của chúng ta, làm suy đồi về đạo đức, lối sống, tâm lý của thế hệ trẻ. Tạo tiền đề dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tác động rất xấu đến tư tưởng, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Như một cuộc “xâm lăng văn hóa”, với nhiều thủ đoạn, bằng nhiều con đường, các thế lực thù địch, phản động ra sức truyền bá, đưa các loại văn hóa phẩm đồi trụy vào Việt Nam. Và, khi đạo đức, lối sống, nhân cách, nền tảng tinh thần của thế hệ trẻ bị xuống cấp là điều kiện lý tưởng để những luận điệu sai trái, những chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc, kích động, thậm chí ép buộc của các thế lực thù địch dễ dàng thâm nhập, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Ngày nay, khác với sự chống phá thông qua sách, báo, tạp chí, truyền đơn như trước đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng công nghệ 4.0, sức lan tỏa nhanh của Internet tung ra những thông tin xấu, độc dưới dạng bài viết, tin ngắn gọn, kích thích sự nghi ngờ trong nhân dân để chống phá Đảng, Nhà nước. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động đấu tranh phòng, chống và đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, bất cập trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị, phản động.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ, xử lý nghiêm các sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đạt nhiều kết quả toàn diện ở cả Trung ương và địa phương. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta tăng cường dân chủ, đẩy mạnh dân chủ, người dân sẽ ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình, tham gia nhiều hơn vào quá trình giám sát xã hội, phản biện xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên Internet và mạng xã hội, người dân được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, trong đó thông tin chính thống có, phi truyền thống cũng có nên cách nhìn nhận, đánh giá, bình luận của cộng đồng, các nhóm người có xu thế đa biến hơn, phức tạp hơn, công khai và có tính phản biện, quyết liệt hơn. Trong khi đó, một số nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông chính thống còn khó khăn, hạn chế; việc nắm bắt dư luận xã hội, định hướng tuyên truyền ở một số địa phương chưa được coi trọng, dẫn đến những thông tin xấu, độc, không chính thống được chia sẻ nhiều, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Phải có biện pháp hữu hiệu xử lý kịp thời, răn đe đối tượng tung tin sai sự thật, vi phạm pháp luật; nâng cao cảnh giác, tăng sức “đề kháng” cho người dân khi tiếp cận thông tin; vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại tư tưởng của các đối tượng, tổ chức thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước, giúp chúng ta giành được thế chủ động trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền.
Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống Đảng, Nhà nước của tổ chức phản động này, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực thù địch, bọn phản động lôi kéo tham gia vào các tổ chức của chúng, đồng thời phải nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng, sử dụng mạng internet, mạng xã hội tỉnh táo, văn minh, tiếp thu các thông tin đúng sự thật, đã được kiểm chứng từ các trang web chính thống; kịp thời phát hiện, phản bác các thông tin sai sự thật và không bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ hoặc ủng hộ, chia sẻ lan truyền những thông tin sai sự thật, xuyên tạc nói xấu Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội.

Hướng Nhân (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét