Gần đây, hiện tượng mạng xã hội lan truyền về "sư Thích Minh Tuệ" đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Điều đáng chú ý là từ một hoạt động tôn giáo bình thường, sự việc này đã bị thổi phồng quá mức, trở thành tâm điểm trên các nền tảng xã hội. Một số cá nhân và tổ chức đã lợi dụng cơ hội này để trục lợi cá nhân, gây rối an ninh trật tự và thậm chí công kích chế độ.
Âm mưu
Sự kiện liên quan đến "sư Thích Minh Tuệ" đã trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội trong thời gian qua. Người này, tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh, từng đi nghĩa vụ quân sự và làm nhân viên đo đạc địa chính trước khi xuất gia vào năm 2015. Từ năm 2017 đến 2023, ông đã ba lần đi bộ xuyên Việt mà không gây ra bất kỳ vấn đề an ninh trật tự nào. Lần thứ tư vào năm 2024, ông Lê Anh Tú tiếp tục đi bộ khất thực. Tuy nhiên, sự can thiệp quá mức của mạng xã hội đã biến sự việc thành tâm điểm chú ý của dư luận. Những lời ca ngợi "sư Thích Minh Tuệ" như "Đức Phật tái thế" đã dẫn đến hiện tượng hàng trăm YouTuber, TikToker, Facebooker ghi lại hình ảnh và truyền tải sai lệch, tạo ra hiệu ứng đám đông. Việc hàng trăm người theo chân "sư Thích Minh Tuệ" đã gây ra cảnh tượng hỗn loạn, buộc lực lượng chức năng phải phân luồng giao thông và bảo đảm an ninh trật tự.
Một số cá nhân và tổ chức có hoạt động chống Đảng, Nhà nước, trong đó có tổ chức khủng bố "Việt Tân", đã lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; đả kích, xúc phạm tổ chức và nhiều cá nhân tu sỹ thuộc GHPGVN; kích động tăng, ni, phật tử tu theo "Thích Minh Tuệ", tẩy chay các tăng, ni Phật giáo, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong GHPGVN... Chúng tuyên truyền sai sự thật, cáo buộc Đảng và Nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo, gây chia rẽ giữa các tôn giáo và chính quyền. "Việt Tân" và các tổ chức chống Đảng, Nhà nước đã tận dụng mạng xã hội để phát tán thông tin xấu, độc kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình, tạo ra các cuộc xô đẩy, chen lấn nhằm gây mất trật tự công cộng. Đồng thời, các đối tượng xấu lợi dụng sự hỗn loạn để trộm cắp, tuyên truyền lôi kéo người dân tham gia tôn giáo lạ (gọi là đạo Nhân quả) hoặc đề nghị thành lập một tôn giáo mới (gọi là "Phật giáo đầu đà hạnh")...
Ngoài ra, tổ chức khủng bố "Việt Tân" còn phối hợp với các tổ chức nước ngoài, cố gắng lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng quốc tế để gây áp lực lên chính quyền Việt Nam. Họ tổ chức các buổi "hội thảo", "tọa đàm quốc tế" nhằm xuyên tạc chính sách tôn giáo của Việt Nam, tạo ra một hình ảnh sai lệch về tình hình tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.
Trước các hoạt động lợi dụng sự kiện "Thích Minh Tuệ" để chống phá Đảng, Nhà nước của các cá nhân, tổ chức phản động; Cấp ủy chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về âm mưu lợi dụng sự kiện "Thích Minh Tuệ" để kích động biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai sâu rộng, sử dụng các kênh truyền thông chính thống để phản bác các luận điệu, thông tin sai lệch, xuyên tạc. Truyền tải các thông tin một cách chính xác, kịp thời về chính sách tôn giáo của Nhà nước, khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Việt Nam luôn chú trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi công dân. Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ. Luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo nhưng cũng kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để gây rối và chống phá.
Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước các thông tin có liên quan đến sự kiện "Thích Minh Tuệ", cẩn trọng, tỉnh táo, kiểm chứng các thông tin để không bị các cá nhân, tổ chức phản động lợi dụng vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc có liên quan sự kiện "Thích Minh Tuệ"./.
H.V.D.L
0 nhận xét:
Đăng nhận xét