Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Cần phải lên án hành vi “kì thị, phân biệt chủng tộc” người Châu Á ở nước ngoài vì dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, thông tin về dịch bệnh Covid-19 nhận được sự
quan tâm của tất cả mọi người trên thế giới: có những người tìm hiểu để có cách phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và cùng nhau chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, nhưng cũng có những loại người đem dịch bệnh ra “kì thị” người khác, làm trò đùa. 
Liên quan đến vụ việc này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước thông tin nhau bức ảnh của nhóm học sinh trường Waregem College (Bỉ), được cho là kỳ thị người Việt nói riêng và người châu Á nói chung. Nguyên nhân là bởi trong ảnh, các cô cậu học trò người Bỉ đội nón lá Việt Nam, nam mặc áo mang phong cách Trung Quốc hay hóa trang thành gấu trúc, loài vật đặc trưng của đất nước tỉ dân, nữ diện trang phục Kimono của Nhật Bản. Đáng nói, nhóm này giơ tấm bảng ghi dòng chữ “Corona Time” với ý chế giễu dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ châu Á. Hình ảnh này sau đó đã được đăng lên trên mạng xã hội, điều đó khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc và đồng loạt phản ứng gay gắt trước hành vi “kì thị” cũng như trò đùa nhạy cảm giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát toàn thế giới. Đa số ý kiến cho rằng hành vi của nhóm học sinh này là xem thường văn hóa, cũng như đụng chạm đến nỗi đau của châu Á, nơi có số người tử vong vì dịch bệnh đang ngày một gia tăng. Một số tài khoản giận dữ bình luận: “Nam mặc đồ Trung Quốc, nữ mặc đồ truyền thống Nhật và đội nón lá Việt Nam cầm tấm bản: Corona đang đến. Không phải kỳ thị chứ là gì nữa?”; “Mọi người ơi, chúng ta hãy lập trang kêu gọi chữ ký, yêu cầu giải thích những hành động không tôn trọng văn hóa các nước, kỳ thị người châu Á, yêu cầu các bạn học sinh này phải công khai xin lỗi”… 
Không riêng gì bức ảnh trên, hiện tại nhiều du học sinh, người lao động Châu Á (trong đó có Việt Nam) làm việc ở các nước phương Tây bị đối xử không tốt, phải chịu ánh mắt “kì thị, phân biệt chủng tộc” vì dịch bệnh Covid-19. 
Mới đây nhất, vụ việc Jonathan Mok, du học sinh người Singapore học tập tại Anh, đăng lên Facebook cá nhân, kêu gọi người chứng kiến anh bị nhóm thành niên tấn công và kỳ thị chủng tộc đứng ra làm chứng cũng gây xôn xao dư luận. Theo lời kể của Jonathan, vụ việc xảy ra vào ngày 24/2 trên đường Oxford. Khi đi qua nhóm thanh niên, nghe thấy họ nhắc đến virus corona, anh quay lại nhìn. "Sao mày dám nhìn tao?", một người trong nhóm giận dữ hét lên rồi đánh Jonathan. Những người qua đường cố gắng can ngăn. Một thanh niên khác, cũng thuộc nhóm đó, hét lên: "Tao không muốn virus corona của mày vào nước tao", rồi đấm vào mặt nạn nhân. Nhóm này bỏ chạy trước khi cảnh sát đến.
Đây không phải lần đầu tiên người châu Á chịu sự kỳ thị, thậm chí bạo hành với lý do dịch Covid-19. Ngày 9/2, luật sư tập sự Meera Solanki (đến từ Solihull, Anh) bị hành hung khi cố bảo vệ người bạn Trung Quốc trước thái độ miệt thị liên quan virus corona.
Tiền đạo bóng đá nổi tiếng người Hàn Quốc - Son Heung-min đang thi đấu tại Anh cũng trở thành nạn nhân của hành vi phân biệt chủng tộc. Cầu thủ người Hàn Quốc đã ho 2 lần khi trả lời phỏng vấn sau trận đấu và tình huống này nhanh chóng được các cổ động viên vô văn hóa ghi nhớ. Ngay lập tức, họ đã có những bình luận ác ý nhắm vào tiền đạo này "Virus corona đã tới Tottenham rồi", hay "Heung-min cho thấy biểu hiện của virus corona". Những bình luận “phân biệt chủng tộc” trên đều không có sơ sở khi mà cầu thủ người Hàn Quốc dành toàn bộ thời gian của mình ở London, nước Anh và chẳng có liên hệ gì với Vũ Hán hay Trung Quốc.
Nhiều người Việt ở nước ngoài cũng đang chịu cảnh bị kỳ thị vì dịch Covid-19 như: Người mẫu Chà Mi đang làm việc tại Anh cho biết cô không nhận được show, không dám ra ngoài và tiết lộ ở thời điểm này, người dân sống ở đây chỉ “chăm chăm kỳ thị, phân biệt chủng tộc đối với người châu Á"; Một du học sinh Việt tại Úc đã học ba năm cho biết bản thân bị 2 người đàn ông bản địa dọa đánh vào mặt chỉ vì họ ngồi chung xe buýt với cô và cho rằng Châu Á mang dịch bệnh Covid -19 đến đất nước họ….
Không chỉ riêng các trường hợp trên, nhiều du học sinh hay người lao động Châu Á sống gần nơi có dịch bệnh Covid-19, thậm chí còn không dám đeo khẩu trang để phòng ngừa vì do quan niệm của người dân các nước phương Tây “chỉ người bị bệnh mới đeo khẩu trang y tế”. Trong khi đó, việc đeo khẩu trang để phòng bệnh, phòng bụi ở các nước châu Á, nhất là Việt Nam vô cùng phổ biến. Chính sự khác biệt này khiến cho nhiều người châu Á sinh sống ở phương Tây đeo khẩu trang để phòng bệnh bị “kỳ thị, phân biệt chủng tộc”, thậm chí là bị đánh. 
Người ta thường nói người nước ngoài có tư tưởng văn hóa văn minh, lịch sự nhưng chỉ một số ít bộ phận người có hành vi “kì thị, phân biệt chủng tộc”. Mặc dù tổ chức y tế thế giới WHO đã có không ít lần kêu gọi mọi người nên dành thời gian để phòng chống dịch bệnh thay vì nghi kỵ nhau, thế nhưng dường như tình trạng này vẫn không được cải thiện. Vì thế chúng ta cần lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các trường hợp trên để tránh lây lan trong cộng đồng, tạo tiền lệ xấu sau này. Nên biết Việt Nam đang được thế giới đánh giá tốt về việc kiểm soát dịch bệnh, bằng chứng là cho đến hiện giờ Việt Nam dù có số lượng người nhiễm bệnh nhưng công tác chữa trị tốt nên chưa có trường hợp tử vong. Việc dịch bệnh lan rộng thế giới không xuất phát từ Việt Nam.
TKS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét