Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Có nên tiếp tục kỳ thi “2 trong 1” hay không?


Được đánh giá là một trong những kỳ
thi quan trọng nhất trong năm, kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT tổ chức trên phạm vi toàn quốc nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ năm 2017 đến nay. Thật ra, cách nói “2 trong 1” chỉ là cách nói tắt, nên tránh gọi như vậy vì chưa quán triệt và thực hiện đúng tinh thần của kỳ thi. Nói đúng hơn, đây là kỳ thi “1 vận dụng cho 2”. Một “1” chính là kỳ thi THPT sử dụng để đánh giá quá trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp, làm cơ sở để học sinh có điều kiện học tiếp hoặc đi làm. Nói cách khác, đây chính là kỳ thi dành cho học sinh học xong lớp 12 được quy định trong Luật Giáo dục. Hai “2” tức là vận dụng để ghi danh vào một số trường Đại học mà không cần thi bổ sung, dĩ nhiên việc vận dụng cho “2” không bắt buộc thí sinh phải thực hiện.
Có thể thấy rằng phương án thi THPT quốc gia hiện nay cơ bản đã thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết 29 với 03 ưu điểm: Đây là phương án thể hiện được tinh thần kiến tạo, tạo sự thuận lợi cho thí sinh, gia đình và xã hội. Nói cách khác, đây là chủ trương đúng đắn, linh hoạt, lồng ghép được sự công bằng, khách quan, nghiêm túc của kỳ thi đại học cùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT huy độngcả hệ thống chính trị, các trường đại học và cơ sở giáo dục đào tạo cùng vào cuộc tổ chức. Không chỉ vậy, việc tổ chức kỳ thi tạo nhiều điều kiện thận lợi cho thí sinh và các bậc phụ huynh nhất là giảm tốn kém cho xã hội và tình trạng luyện thi đại học tràn lan. Đặc biệt từ năm 2017, tất cảcác môn thi được tổ chức thi theo hình thức thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ Văn), giúp kiểm tra được khối lượng kiến thức rộng, tránh học vẹt, học tủ.
Vấn đề này sẽ không có gì đáng bàn cải trong các năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Đỉnh điểm là vào ngày 11/7/2018, khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thì dư luận dấy lên hoài nghi tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cao đột biến trong khi đây là vùng trũng về giáo dục. Trước tình hình trên, Bộ GD-ĐT và Cục A83-Bộ Công an đã khẩn trương, chủ động vào cuộc cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan điều tra và phát hiện các sai phạm trong công tác chấm thi dẫn đến việc nâng điểm cho thí sinh trên quy mô lớn ở Hà Giang, Sơn La. Sau khi sự việc được làm rõ, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Hà Giang và Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và các cá nhân có liên quan.Ngày 21/7/2018, Bộ GD-ĐTtiếp tục Công văn yêu cầu 63 tỉnh thành “nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương nhất là khâu coi thi, chấm thi” nhằm phát hiện và xử lý các sai phạm trong khâu chấm thi. Cả hai vụ việc ở Hà Giang và Sơn La được Bộ GD-ĐT, lãnh đạo địa phương quyết tâm làm rõ, xử lý nghiêm minh tập thể và cá nhân sai phạm với mục tiêu “trả lại sự công bằng cho học sinh và niềm tin cho xã hội” theo quan điểm “không bao che, không có vùng cấm”.
Có thể thấy rằng, nền giáo dục Việt Nam ngày càng tiến bộ về phương tiện kỹ thuật, hoàn thiện về quy chế nhưng suy cho cùng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Nếu con người không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là hành vi sai phạm có tính chủ đích. Đáng tiếc rằng, trước sự việc trên có nhiều ý kiến áp đặt, nhìn nhận vấn đề mang nặng tính chủ quan, phiến diện một chiều, thiếu thiện chí, thiếu nhân văn, thậm chí đánh đồng giữa “hiện tượng” với “bản chất” theo kiểu “vơ đũa cả nắm” nhất là những liên tưởng, suy luận không đúng về nền giáo dục Việt Nam. Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng tiêu cực trên để xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp nền giáo dục nước nhà. Chẳng hạn, họ ví viễn cảnh ngành giáo dục Việt Nam là bức “màn đen xám xịt” của xã hội. Thật dễ dàng nhận thấy, viết về giáo dục mà bằng những lời lẽ như thế đã bộc lộ rõ ý đồ của họ. Ở khía cạnh khác, cách nhìn nhận và đánh giá về giáo dục theo kiểu đó chẳng khác nào cách liên tưởng bằng con mắt “không tròng”, bằng những lời xuyên tạc trơ trẽn trong khi nền giáo dục nước nhà đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện từng ngày thì việc xảy ra thiếu sót, khiếm khuyết là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, những lí lẽ “điên cuồng” ấy không những không được chấp thuận, mà cũng khó có thể làm lung lay nền tảng vững chắc của nền giáo dục cách mạng Việt Nam vốn được vun trồng bồi đắp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đầy nhân văn, ưu việt.
Trước những “lùm xùm” trong thời gian qua, vấn đề mà dư luận quan tâm đặt ra là có nên tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia này hay không ? Thực tế cho thấy, các phương án tuyển sinh trong mấy chục năm qua nhất là kì thi “3 chung” và gần đây nhất là kỳ thi THPT quốc giakhông phải là phương án của một bất kỳ cá nhân nào cả, mà đây chính là phương án được nghiên cứu dựa trên những tồn tại xã hội và tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng và được phản biện thông qua nhiều cấp. Tuy nhiên thực tiễn rất phức tạp, chúng ta cũngkhông thể lường trước hết được các tình huống phát sinh trong thực tế nhất là các tiêu cực. Phải nói rằng, đây là vần đề muôn thuở ngay các nước tiên tiến trên thế giới cũng vấp phải. Chính vì vậy, chúng ta không kỳ vọng chọn được một phương án đúng, tuyệt đối mà là chọn được phương án có nhiều ưu đểm nhất, ít hạn chế nhất.
Từ sự cố xảy ra tại Hà Giang và Sơn La cho thấythời gian tới chắc chắn phải có những điều chỉnh cụ thể trong quy thi để giảm tiêu cực. Không thể thấy sai phạm là đổi mới liên tục mà điều quan trọng là từ những sai phạm đó, phải thấy rõ những bài học để tiếp tục hoàn thiện./.

Khuân Thu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét