Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

GIÁO DỤC VIỆT NAM ĐANG CẦN LẮM MỘT NIỀM TIN

Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay luôn đề cao giáo dục, xem giáo
dục là "quốc sách hàng đầu" với quan niệm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Thế nên bậc làm cha mẹ dù gia cảnh có khó khăn, dù ăn đói, mặc rách, lam lũ kiếm sống hằng ngày vẫn quyết chí cho con ăn học đỗ đạt thành tài, vẻ vang dòng họ. Ngược lại dù có nhà cao cửa rộng nhưng con cái học hành như Bùi Kiệm, Trịnh Hâm thì sẽ cũng không thể ngẩn mặt với họ hàng, làng xã. Thế mới thấy dân ta quan tâm và đề cao giáo dục như thế nào!
Vậy nên sau những vụ việc ồn ào của ngành giáo dục vừa qua như: "phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối", "cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng", "cô giáo không nói suốt 3 tháng đứng lớp",… thì những ngày gần đây có thể hiểu tại sao dư luận cả nước tiếp tục dành những quan tâm đặc biệt đến vụ việc đang gây "sóng gió" cho ngành giáo dục: đó là cơ quan chức năng vào cuộc kết luận, xử lý một loạt các sai phạm trong khâu chấm thi xảy ra trong kỳ  thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương như Hà Giang, Sơn La (và rất có thể có cả Hòa Bình). "Chống tiêu cực trong thi cử" từ lâu đã một đề tài trăn trở mà các nhà giáo dục nước nhà đặc biệt quan tâm với nhiều quyết sách được đưa ra trở thành khẩu hiệu, phương châm để đẩy lùi vấn nạn này. Công bằng mà nói những việc làm ấy đã thể hiện quyết tâm cần thiết để xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, xứng tầm trong giai đoạn hiện nay; nhằm tạo ra niềm tin và đáp ứng những mưu cầu rất chính đáng của người dân là được học hành tử tế, phát triển toàn diện, được sống vui vẻ trong xã hội yên bình, đồng thời để đưa giáo dục về đúng bản chất của nó là "dạy làm người" chứ không phải chạy theo "bằng cấp".
Phải thừa nhận việc các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc kết luận kịp thời hành vi gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là điều hết sức cần thiết, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Điều ấy càng thể hiện tinh thần cương quyết dẹp bỏ những "con sâu", "ung nhọt" đang gặm nhấm, phá hoại thành quả, nỗ lực của toàn xã hội gắng sức vun xới cho một nền giáo dục trong sạch. Điều ấy cũng là để trả lại sự công bằng đúng nghĩa cho học sinh, lấy lại niềm tin cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân dân về một kỳ thi mà chính họ đã ủng hộ và đồng hành. Chúng ta cũng không thể vì những điểm đen cá biệt trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang, Sơn La mà vội chụp mũ, phê phán ngành Giáo dục, phủ nhận những ưu điểm, thành quả của những cải cách, đổi mới công tác thi cử những năm qua. Đáng lưu ý, số đối tượng xấu trong và ngoài nước đã lợi dụng vụ việc làm sai lệch kết quả thi tại Sơn La, Hà Giang để đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc, quy chụp bản chất của nền giáo dục nước ta. Đây là việc làm "mượn gió bẻ măng", thổi phòng hiện tượng tiêu cực để quy bản chất nhằm mục đích xuyên tạc, phê phán chế độ cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn.
Qua sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua có một thực tế cần phải nhìn nhận đó là công tác tổ chức thi cử dù được "cải cách", "đổi mới" qua từng năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đây thật sự là tiếng chuông ảnh tỉnh cần thiết đối với những người làm giáo dục nước nhà. Thiết nghĩ việc Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lên tiếng "nhận trách nhiệm" về những sai phạm xảy ra tại Hà Giang, Sơn La đồng thời thừa nhận có những "hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018" tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra sáng ngày 01/08/2018 là hành động cần thiết phải làm, thể hiện trách nhiệm, cầu thị của một tư lệnh ngành, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai sai phạm, nhận rõ trách nhiệm để có giải pháp cần thiết trả lại sự công bằng, trung thực vốn có của giáo dục và trên hết là tạo niềm tin cho xã hội bởi cơ sở đầu tiên của niềm tin đó là sự thật. Tuy nhiên một điều quan trọng là rất cần sự thấu hiểu, đồng tâm nhất trí, chung tay của cả xã hội trong việc đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện, hiệu quả hơn nữa để bù lại khoảng trống niềm tin đối với giáo dục.
Trước pháp luật thì trắng đen sẽ rõ. Những kẻ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp danh dự nghề nghiệp, bất chấp lương tri, đạo lý cần phải bị xử lý theo đúng mức độ gây ra và sẽ "không có vùng cấm" bởi họ đã nhẫn tâm gây tổn thương niềm tin cho xã hội về một nghề mà lẽ ra ta chỉ có thể hướng đến sự trung thực, công bằng, cao thượng,…Tuy nhiên cùng với đó thì công tác giáo dục cần phải tiếp tục hoàn thiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt được đưa ra để tạo môi trường giáo dục trong sạch, tạo được niềm tin cho xã hội. Phát biểu trong lần đầu tiên tiếp xúc với báo chí năm 2016 khi giữ chức Bộ trưởng GD&ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ từng nói: “Nhiệm vụ quan trọng của tôi là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì lúc đó mới thắng lợi, còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn là thất bại”. Và thật sự hiện nay giáo dục Việt Nam đang cần lắm một niềm tin!
Thanh Trúc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét