Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Lạm dụng trẻ em để trục lợi từ các gameshow giải trí, nguồn từ thiện

Thời gian qua, chương trình giải trí, trò chơi trên truyền hình (gameshow) hoặc internet với sự
tham gia của trẻ em có xu hướng ngày càng phổ biến. Việc tạo thêm sân chơi cho lứa tuổi trẻ thơ là điều đáng mừng và cần khuyến khích. Tuy nhiên thực tế lại đang dấy lên không ít lo ngại vì dường như khá nhiều chương trình, hoặc gameshow đang có chiều hướng đặt nặng mục đích thương mại, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của các em để trục lợi. Sẽ không có gì phải bàn nhiều nếu thí sinh nhí tham gia các chương trình này vì đam mê, yêu thích, và chương trình có nội dung, hình thức phù hợp với đối tượng thiếu nhi. Song những gì đang diễn ra tại nhiều gameshow cho thấy trẻ dường như đã phải gồng mình, học cách hóa thân thành vai người lớn.
Dư luận cũng không hẳn không có lý khi đã nghi ngờ về tình trạng một số nhà sản xuất chương trình giải trí lợi dụng trẻ em để thu lợi. Vì không thể coi là bình thường khi có chương trình cố tình tạo ra chiêu trò, tạo scandal (vụ bê bối) mà nhân vật chính là các em để nhằm thu hút quảng cáo. Cũng phải nói rằng, sở dĩ một số nhà sản xuất thực hiện được mục đích riêng một phần cũng nhờ sự tiếp tay khá dễ dãi từ chính cha mẹ các em. Không chỉ bởi tâm lý “con hát mẹ khen hay”, mà dường như có một số phụ huynh vì mong muốn con thành công, vì mong muốn con được nổi tiếng nên đã “đẩy”, ép con “chín” sớm trong “lò” luyện tài năng để tham gia các cuộc thi trên truyền hình.
Cùng với nguy cơ bị lạm dụng hình ảnh, quyền tự do vui chơi học tập, một số trẻ em cũng đang đứng trước nguy cơ bị khai thác từ internet với nhiều cách thức tinh vi. Ðã xuất hiện không ít kênh YouTube hướng đến người xem là trẻ em, tuy nhiên, nội dung các đoạn phim trên các kênh YouTube dành cho trẻ em gần như bị buông lỏng, rất khó kiểm soát. Có rất nhiều kênh đăng tải nội dung được coi là dành cho trẻ em nhưng thực chất lại không mang nhiều tính giáo dục, mà chủ yếu vì mục tiêu kinh doanh. Có kênh doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng không chỉ từ lượng người đăng ký lớn mà còn vì chứa nhiều nội dung quảng cáo của các nhãn hiệu hàng hóa, hoặc chủ kênh tự kinh doanh các sản phẩm giới thiệu trên đoạn phim của mình.
Cần xác định rằng, các chương trình giải trí, gameshow chỉ nên là một sân chơi để các em bồi đắp tình yêu nghệ thuật, thể hiện khả năng vốn có, rèn luyện kỹ năng, đừng biến đó thành nơi đào tạo “ngôi sao”, càng không nên coi là phương tiện giúp trẻ em kiếm tiền.

Điển hình như “Tịnh thất Bồng Lai” ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (từ ngày 1/1/2020 được đổi thành tên mới là “thiền am bên bờ vũ trụ”) thời gian gần đây được dư luận, người dân và cả Phật tử quan tâm. Phần lớn những người ở đây xuống tóc, cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, rồi tự xưng là thầy, sư cô, hoà thượng, đại đức, chú tiểu… Đáng nói hơn trong nhiều clip phát tán trên mạng xã hội, những người ở “tịnh thất Bồng Lai” tự nhận, tuyên bố đây là chùa, tịnh thất thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ tổ chức sinh hoạt tôn giáo như một tự viện của Giáo hội. Ngoài việc, hoạt động từ thiện chui không phép, sử dụng trẻ em để phục vụ mục đích riêng, còn bị tố cáo chiếm đoạt nhiều khoản tiền đóng góp của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm.

Sau khi, bé gái Lê Thanh Huyền Trân tham gia chương trình truyền hình “giọng hát Việt nhí” đạt giải á quân và 5 chú tiểu nhỏ đoạt giải quán quân cuộc thi 'Thách thức danh hài'. Chính vì hình ảnh những đứa trẻ được giới thiệu là mồ côi, “tịnh thất Bồng Lai” là cơ sở nuôi trẻ mồ côi nên nguồn từ thiện từ những người trong và ngoài nước đổ về đây trong những năm qua là không ít.

Ngoài ra họ còn tạo kênh YouTube “5 chú tiểu - thiền am bên bờ vũ trụ” đến nay thu hút hàng triệu người đăng ký và Fanpage hàng ngàn người thích thường xuyên đăng các clip về 5 đứa trẻ giới thiệu là “chú tiểu” mồ côi. Tất cả các clip và cả phần giới thiệu đều kêu gọi từ thiện, thông tin số tài khoản của Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, thậm chí là thông tin liên hệ quảng cáo. Facebook cá nhân của những người sống ở “tịnh thất Bồng Lai” nhận là thầy, sư cô với lượng tương tác khá lớn thường xuyên đăng tải clip về những đứa trẻ. Ngoài ra, còn nhiều kênh YouTube khác với sự lầm tưởng hay cố ý đã tham gia truyền thông thái quá cho “tịnh thất" này và những cá nhân ở đây. Chính điều này đã tạo nên sự nhầm lẫn cho rất nhiều người xem, từ đó có những người phát tâm về vật chất. Không chỉ thế, những việc làm gần đây xuất phát hoặc có liên quan đến “tịnh thất Bồng Lai” còn có dấu hiệu công kích, làm ảnh hưởng đến uy tín Phật giáo.
Trẻ em là một nhóm yếu thế trong xã hội, khả năng tự bảo vệ chưa có, nhận thức còn non nớt nên rất cần được bảo vệ. Do đó cần xác định hành vi trục lợi từ trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều không được phép, và cần phải có biện pháp xử lý rốt ráo, nghiêm khắc. Hiện nay, pháp luật đã có quy định xử phạt rõ ràng đối với hành vi trái pháp luật khi để trẻ em tham gia các hoạt động không xuất phát từ sự tự nguyện của trẻ, không vì lợi ích của trẻ, lợi dụng hoặc có các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển, và các quyền của trẻ em.

L.H


0 nhận xét:

Đăng nhận xét