Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Lợi dụng mạng xã hội để tự do báo chí, tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước

Hiện nay, truyền thông mạng xã hội đang phát triển một cách
chóng mặt. Nhưng cũng từ đây đã xuất hiện tình trạng một số kẻ tự xưng nhà báo hoặc mang danh nhà báo đã sử dụng mạng xã hội phục vụ các toan tính cá nhân, gây hoang mang, mất lòng tin trong dư luận, làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của nghề báo.
Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện nghề báo tự do, không muốn lệ thuộc vào khuôn khổ của trang giấy in hay website, tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chúng sử dụng mạng xã hội bằng cách tạo ra các fanpage và các nhóm trên facebook để đăng tải thông tin làm mục tiêu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước.
Thông qua các fanpage, nhóm đăng tải thông tin sai trái, mốc nối, hướng dẫn thu thập tình hình an ninh trật tự tại địa phương bằng cách quay phim, chụp ảnh đưa lên fanpage, nhóm nhằm xuyên tạc tình hình an ninh trật tự trong nước, gây bất ổn xã hội. Phương thức thường thấy là phát tán thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, biến không thành có, thật giả lẫn lộn để lôi kéo, kích động, hướng dư luận theo quan điểm của chúng. Triệt để lợi dụng các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí, hạn, mặn…tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong xã hội, kích động tâm lý bất mãn với chính quyền. Một số vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng thì bị chúng khai thác, phát tán thành chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội.
Đây là môi trường không chỉ dung chứa số nhà báo tồn tại theo lối “hai mặt”, mạng xã hội còn là nơi dung chứa một số người từng làm nghề báo nhưng đã bị cơ quan chủ quản thải hồi vì yếu kém trong đạo đức hoặc kỹ năng nghề nghiệp, nay bày trò “đánh lận con đen”. Và còn có một số đối tượng lên Facebook ngang nhiên sử dụng “danh xưng” nhà báo, khoe khoang từng làm việc tại tòa soạn nọ, đài truyền hình kia nhằm hù dọa, tạo ấn tượng về “tài năng, năng lực nghề nghiệp”. Chưa kể, một số người do yếu kém về nhận thức, về các vấn đề chính trị - xã hội, bị dư luận của mạng xã hội tạo áp lực để “dắt mũi”, đã vô tình “tiếp tay” cho các thế lực thù địch, cho đối tượng xấu qua việc tham gia ủng hộ xu hướng chống phá, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham gia kiến nghị, và phản đối ban hành Luật An ninh mạng; kích động chống phá các trạm thu phí BOT giao thông; ngăn cản thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội; vào hùa tẩy chay một số doanh nghiệp trong nước...
Trong bối cảnh các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, đang ra sức tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, hình ảnh và nội dung xấu, độc, sai sự thật đăng tải trên facebook cá nhân của người làm báo không khác nào “miếng mồi ngon” để kẻ xấu lợi dụng. Bởi vậy, dễ hiểu tại sao, nhất cử nhất động trên một vài tài khoản Facebook của người làm báo lại luôn được BBC, RFA, SBTV, Người Việt... khai thác, tận dụng một cách tối đa.
Trên mạng xã hội gần đây cho thấy, đôi khi sự tiện dụng của trí tuệ nhân tạo bị lợi dụng, trở thành “sân chơi” cho những động cơ thiếu trong sáng: Sử dụng mạng xã hội, cụ thể là Facebook, Youtube như “sân sau”, rồi “bẻ cong bàn phím” để tiến hành hoạt động sai trái dưới danh nghĩa là “tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Trong số người làm báo suy thoái, biến chất này, có một số cây bút lâu năm, ít nhiều có uy tín, có kinh nghiệm, được dư luận trên mạng xã hội chú ý. Thậm chí, một số người từng nổi danh vì có những bài phóng sự điều tra chống tiêu cực. Song, thay vì sử dụng không gian mạng để chia sẻ thông tin, bài viết chất lượng cao, hay kinh nghiệm nghề báo với bạn bè, số nhà báo “hai mặt” này như muốn sử dụng uy tín nghề nghiệp, uy tín cơ quan chủ quản để biến trang mạng xã hội của họ thành “chiến trường đánh đấm” theo đúng nghĩa đen, khi đăng tải vô số phát ngôn, thông tin tiêu cực, sai sự thật nhắm vào các tổ chức, tập đoàn kinh tế... nhằm mưu lợi cá nhân.
Đã có một số trang (fanpage), nhóm (group) được lập ra với mục đích để chia sẻ thông tin, kêu gọi sự đoàn kết của người làm báo vì mục tiêu cao cả là đi tìm sự thật cũng đã bị một số nhà báo lạm dụng để kết bè, kéo cánh và khủng bố, trù dập, công kích người không đáp ứng yêu cầu của họ, hoặc làm họ không vừa ý. Khi được thỏa mãn yêu sách, họ sẵn sàng “gỡ bài”, “xóa trạng thái”, thậm chí “trở bàn phím” ca tụng người trước đó còn bị họ hoạnh họe bằng thứ ngôn từ mạt sát nặng nề. Đáng quan ngại là trong khi mạng xã hội có khả năng lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt, thì khi cần, người tạo ra loại chủ đề đó lại có thể xóa bỏ dấu vết nhanh chóng.
Cụ thể, có những hành vi như: “Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác”; “Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác”; “Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội”; “Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ xúy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc”.
Rõ ràng, trong thời đại số và xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, quyền thông tin, tự do thông tin là không thể ngăn cấm. Tuy nhiên với tư cách nhà báo, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ xã hội và đặc thù nghề nghiệp của mình, càng cần phải giữ gìn đạo đức, vững vàng quan điểm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và tham gia thông tin. Với người làm báo, cùng với đó còn cần nắm vững, thấm nhuần các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền đúng, không chỉ qua bài viết mà còn cả khi tham gia mạng xã hội. Hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình. Quá trình đổi mới toàn diện hoạt động báo chí Việt Nam chỉ có thể đạt được khi mỗi người làm báo thật sự là công dân gương mẫu, thật sự là người vừa có trình độ chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, lành mạnh.

L.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét