Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỂ PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC BOTULINUM

Những ngày qua trên các phương tiện truyền thông đưa tin từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 6 người ở TP Thủ Đức, TP.HCM ngộ độc Botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện diễn tiến cải thiện. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc. Tối ngày 24/5, 6 lọ thuốc BAT được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi từ kho tại Thụy Sĩ và đã về đến TP HCM. Tuy nhiên một bệnh nhân không may tử vong trước khi kịp truyền thuốc giải và hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không kịp sử dụng thuốc do đã hết thời gian “vàng”.
Trước đó, vào tháng 3/2023 Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 3 chùm ca bệnh gồm 10 người, trong đó 1 người đã tử vong nghi ngờ là nhiễm độc tố Botulinum. Sau khi trực tiếp thăm khám bệnh nhân và làm việc với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, các bác sĩ nhận định ban đầu cả 3 chùm ca bệnh đều ăn cùng một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua. Loại thức ăn này được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2-3 tuần mới lấy ra sử dụng, đã tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng.
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: Độc tố Botulinum sinh ra từ vi khuẩn Clostridium Botulinum, đây là một chất độc cực mạnh, có thể gây tử vong với lượng nhỏ. Vi khuẩn Clostridium Botulinum sống trong môi trường yếm khí, tức là môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp. Bình thường trong môi trường sống của chúng ta, vi khuẩn này không sống được do có lượng oxy cao. Do vậy chúng sẽ tự động thích nghi bằng cách tạo ra các bào tử là những vỏ bọc giúp vi khuẩn ngủ đông ở đó, không hoạt động mà cũng không chết.
Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng Botulinum ăn phải.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.
Để phòng chống ngộ độc do Botulinum, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt;
2. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
3. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Anh Bảy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét