Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

BÁO CÁO “CHỈ SỐ TỰ DO BÁO CHÍ THẾ GIỚI NĂM 2023” - MỘT LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Năm nay, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp Việt Nam thứ 178 (năm 2022 xếp thứ 174) trong nhóm các quốc gia đứng gần cuối “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên năm 2023”. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ”. Đây là đánh giá hoàn toàn thiếu khách quan, xuyên tạc tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) hay Ký giả không biên giới là một tổ chức phi chính phủ với phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Mục đích của họ được cho là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức này lấy Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền làm cơ sở để hành động. Nếu nhìn vào mục đích trên thì nhiều người nghĩ RSF hoạt động sẽ giúp thúc đẩy tự do và văn minh vì sự phát triển con người. Song thực tế lại hoàn toàn khác, RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí thiếu tính bao quát, không xem xét đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt. Phần lớn những thông tin được đưa ra là không khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực chất mà đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc tổ chức RSF đứng đằng sau những vụ việc phức tạp, gây rối, bất ổn, kích động bạo lực.
Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách, nhân quyền ở quốc gia đó. Báo chí là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Việc bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận. Điều 25 Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền tự do báo chí của công dân như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí 2016 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Bên cạnh đó Điều 10 của Luật giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: (1) Sáng tạo tác phẩm báo chí; (2) Cung cấp thông tin cho báo chí; (3) Phản hồi thông tin trên báo chí; (4) Tiếp cận thông tin báo chí; (5) Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; (6) In, phát hành báo in. Điều 11 của Luật quy định quyền tự do trên báo chí của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là các công ước quốc tế về quyền con người cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản nhưng đó không phải là quyền tự do tuyệt đối mà phải có một số giới hạn nhất định. Việc thực hiện quyền tự do báo chí ở mỗi quốc gia có mức độ khác nhau. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân. Có thể khẳng định: Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình, 57 kênh nước ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP… đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đến nay, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 68,7% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (51,4%). Cùng với đó, thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo, Twitter, Instagram...), người dân Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam, sự phát triển của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã trở thành công cụ rất quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của mọi tổ chức và cá nhân; những tiện ích mang lại này được nhanh chóng được ứng dụng trong thực tiễn, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi tổ chức, cá nhân nhất là giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân trong hệ thống chính trị từ trung ương đến đia phương.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống chính trị trong những năm gần đây đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; trong đó, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử đã có bước tiến mạnh mẽ, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 - 2020 để tạo ra nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng. Hiện, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á.
Việc một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, bịa đặt tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã cho thấy họ vẫn đang nỗ lực phá hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng phát triển đất nước; qua đó tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bằng cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn sinh động về tình hinh tự do báo chí tại Việt Nam trong suốt thời gian qua đã bác bỏ bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của RSF cũng như các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
An Tây - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét