Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Trí tuệ nhân tạo đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thời gian qua, sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia đã ghi nhận những ảnh hưởng to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội. Ở nước ta, một số sản phẩm của AI được phát triển trong thời gian gần đây, trong đó có ChatGPT đã mang đến nhiều thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Được biết, ứng dụng Chat GPT (chatbot) được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới. Công cụ này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì. Khi Chat GPT ra mắt, người sử dụng muốn tra cứu đã bắt đầu trò chuyện với công cụ này thay vì tìm kiếm thông tin trên google. Với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, các câu hỏi thắc mắc của người sử dụng đã được trả lời chỉ sau vài giây. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho con người, tuy nhiên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo trên đã mang lại những tác động tiêu cực.
1. Thời điểm ChatGPT và các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo được cộng đồng mạng quan tâm, các thế lực thù địch đã lợi dụng các ứng dụng này để tạo làn sóng dư luận, lan truyền, phát tán tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội...; cắt ghép các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc vào các tương tác với các ứng dụng này, kết hợp với các công cụ mạng xã hội để lan truyền các thông tin xấu độc, kêu gọi một số thành phần xấu vào chia sẻ, bình luận trên các trang thông tin điện tử gây hoang mang dư luận.
2. Đối với một số câu hỏi về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, lịch sử Việt Nam, các nội dung “được tạo ra” từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo hầu hết đáp ứng được yêu cầu và có độ chính xác nhất định. Tuy nhiên, ngoài những câu trả lời mang tính khái quát đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các hồi đáp của ChatGPT có phần một chiều, đặc biệt là các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.
3. Có thể nói nguồn dữ liệu đầu vào của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo vẫn có thể được kiểm soát, kiểm duyệt bởi người tạo dựng nên hệ thống do tính sở hữu về mặt hạ tầng, dữ liệu và thuật toán của người xây dựng nên. Nếu có thực sự dữ liệu và các thuật toán không mang tính khách quan, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thể tận dụng tính không minh bạch và tính “không công bằng” của thuật toán để tăng cường các hoạt động can thiệp mà khó có thể phát hiện hoặc kiến nghị đối với các nội dung sinh ra bởi các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Nghiêm trọng hơn khi các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo được phát triển thành một ứng dụng mang tính cộng đồng, nó sẽ trở thành một công cụ để tuyên truyền các thông tin sai sự thật, xấu độc và thiếu kiểm chứng nhằm chống phá chính quyền các nước đối lập về chính trị, trong khi đó thông tin thực sự tốt lại có thể bị sàng lọc và kiểm duyệt.
Hiện nay, số người dùng công cụ Chat GPT do OpenAI phát triển được cho là cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi phần mềm trí tuệ nhân tạo này được ra mắt, khiến đây trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Theo thống kê của Sensor Tower cho thấy nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm. Sự hứng thú của người dùng đối với ứng dụng này được lý giải là bởi sự hồi đáp nhanh chóng và lưu loát trên nhiều lĩnh vực, khả năng tổng hợp, huy động khối lượng kiến thức khổng lồ. Do đó, nếu như trước kia nhiều người vẫn quen dùng Google để tra cứu thông tin thì nay đã chuyển sang sử dụng ChatGPT. Thậm chí, phần mềm này còn có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng như làm thơ, viết truyện, viết các bài luận,… lợi dụng nhu cầu của người sử dụng, các thế lực thù địch đã tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta thông qua hai phương thức, thủ đoạn sau:
Đối với các chương trình tạo văn bản, các câu trả lời không mang tính cập nhật, sai lệch thông tin, phần lớn không trích dẫn nguồn dẫn: Các thế lực thù địch đã chỉnh sửa kỹ thuật để lồng ghép các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc vào tương tác với ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo, sau đó lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin trên không gian mạng; ca ngợi, tán dương các ứng dụng có sử dụng trí tuệ, nhân tạo sẽ làm thay đổi về công tác truyền thông hiện nay như: xuyên tạc việc ChatGPT và các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra thông tin hoặc đáp án “khách quan” hơn các thông tin do Đảng, Nhà nước ta tuyên truyền; lợi dụng việc thông tin mang tính thiếu cập nhật để đưa ra các thông tin sai sự thật, có lợi cho các hoạt động chống phá; việc đưa ra dữ liệu không xác thực, thiếu kiểm chứng; các đối tượng cố tình đặt những câu hỏi mang tính điều hướng, cung cấp dữ liệu sai sự thật để ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo đưa ra những kết quả theo ý đồ riêng; lợi dụng tính năng huấn luyện trong quá trình trao đổi để huấn luyện ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho mục đích tuyên truyền thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; lợi dụng khả năng tạo ra một lượng lớn văn bản một cách nhanh chóng và thuyết phục để phổ biến tin tức không chính xác, thậm chí là tin giả mạo trên quy mô lớn.
Đối với các chương trình tạo, chỉnh sửa ảnh, âm thanh, video: Các thế lực thù địch có thể chỉnh sửa ảnh, âm thanh, video chứa nội dung xấu độc và ghép vào hình ảnh, tiếng nói, video của các lãnh đạo để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, sau đó lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin này trên không gian mạng; lợi dụng khả năng tự động hóa việc tạo nội dung, ảnh, âm thanh, video có thể được xây dựng một cách dễ dàng, phục vụ tuyên truyền các nội dung độc hại bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo mang lại luôn có tính hai mặt, nếu người dùng tin tưởng tuyệt đối mà không kiểm chứng thì sớm muộn gì cũng gây ra những hậu quả khó lường. Do đó người dùng cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác đối với những sản phẩm có sử dụng trí tuệ nhân tạo nhất là đối với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật nhằm chống Đảng, Nhà nước. Do đó để sử dụng có hiệu quả trí tuệ nhân tạo vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi các nhân, tổ chức cần:
1. Tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tính hai mặt của trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nhất là cho cán bộ, đảng viên. Trang bị cho cán bộ, đảng viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cho cá nhân, tổ chức; cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phù hợp; nâng cao khả năng nhận diện với các thông tin xấu độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội do các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra.
2. Chính quyền các cấp cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Theo đó, các cơ quan Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện các quy định về quản lý Nhà nước trên không gian mạng, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ tham gia phát triển các ứng dụng, chương trình trí tuệ nhân tạo để đất nước có thể tiến tới tự chủ về lĩnh vực này. Đồng thời phát huy vai trò và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để đảm bảo hạn chế được những tác động tiêu cực do các ứng dụng này đem lại; tổ chức đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu lợi dụng các ứng dụng trên để tạo ra các nội dung tuyên truyền phá hoại cách mạng Việt Nam; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đảm bảo yếu tố răn đe nghiêm khắc đối với những tổ chức, các nhân lợi dụng các ứng dụng trên có hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
3. Phải khai thác, sử dụng có hiệu những giá trị tích cực mà các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo mang lại vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh việc hạn chế những tác động tiêu cực, cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ lực lượng thực hiện công tác báo chí, truyền thông, đó là: Ứng dụng để phục vụ khai thác, cung cấp thông tin từ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng tin, bài viết về các sự kiện, chủ đề đang được dư luận quan tâm... phục vụ công tác phủ xanh, lan tỏa thông tin tích cực; đồng thời giảm thiểu thời gian biên tập, tận dụng nguồn nhân lực, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền từ bài viết, hình ảnh, âm thanh, video nhờ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tận dụng tính năng “tự học” và nguồn hạ tầng cơ sở dữ liệu lớn của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân để tăng cường thông tin tích cực, tạo dựng “kho dữ liệu xanh” phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch./.
An Tây - Tổng hợp[1]


[1] Bài viết sử dụng tài liệu:

-  TS. Lê Đức Cảnh - Ngô Thanh Long - Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Bài viết “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.

- Văn Phong, Bài viết “Chat GPT là công cụ gì, sử dụng như thế nào?”, bài viết đăng trên Báo Nhân dân. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét