Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

ĐƯA NGƯỜI VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI - CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG TA

Trong quá trình mở cửa hội nhập quốc tế, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tạo việc làm cho người lao động trong nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.Tuy nhiên, trong thời gian qua các thế lực thù địch và một số đối tượng cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước Việt Nam trong việc tổ chức phối hợp đào tạo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo ra sự phân tâm, lo lắng, hoài nghi về nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với người lao động; làm giảm sự nhiệt huyết của người lao động có dự định ra nước ngoài làm việc và công dân Việt Nam đang lao động ở nước ngoài… Đồng thời phủ nhận mọi nỗ lực, kết quả của cơ quan chức năng trong công tác quản lý di cư, bảo hộ công dân và mưu đồ đen tối hơn là nhằm hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau gần 15 năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị “Về xuất hẩu lao động và chuyên gia”. Ngày 08/5/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” xác định: Việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Điều đáng ghi nhận Chỉ thị số 16-CT/TW ra đời kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế phát sinh, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, góp phần năng cao hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Và sau gần 10 năm triển khai, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”, yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Chủ trương của Nhà nước Việt Nam là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không phải tiến hành bằng mọi giá, mà phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp. Đồng thời, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết cũng như các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam khi bị xâm phạm thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Hầu hết các chủ trương đó đều được quy định rõ ràng và thể hóa bằng các văn bản như: Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3, Điều 17), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (Điều 8 và Điều 9), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020...
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ. Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đã đánh giá người lao động Việt Nam chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, làm việc năng suất, chất lượng. Do vậy, kể từ khi ban hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, có khoảng 150 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, cả nước đã có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.799 lao động, đạt 158.64 % kế hoạch năm 2023. Riêng Quý I, năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, đạt 34.48% kế hoạch năm 2023. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… các thị trường có điều kiện làm việc tốt, có thu nhập cao như Đức, Ba Lan, Séc,… không ngừng gia tăng hàng năm.
Có thể thấy, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chính sách này góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho chính người lao động (nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp thu những công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp,…) qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động ở vùng khó khăn. Không chỉ vậy, chính sách này còn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ những kết quả, lợi ích thiết thực nêu trên, càng thêm khẳng định những nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và những tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động đưa công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Đây cũng là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch phủ nhận chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài.
An Tây - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét