Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ XUYÊN BIÊN GIỚI PHẢI CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI

Hiện nay, bên cạnh hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, trang thông tin điện tử được cấp phép và hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật thì vẫn còn tồn tại một số lượng lớn trang web, blog, mạng xã hội… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đăng tải hàng triệu thông tin, bài viết, ý kiến trao đổi, bình luận ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, mục đích khác nhau mà không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin. Nhiều thông tin sai lệch được phát tán trên không gian mạng đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, khủng bố tinh thần của công dân, gây hoang mang dư luận.
Cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam yêu cầu các hãng công nghệ hàng đầu thế giới khi cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook… phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam phòng, chống tấn công mạng, phòng chống tội phạm mạng và ngăn chặn thông tin sai sự thật, xấu độc.
Trong phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 08/5/2023 Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… Quy định này đã được đưa vào nghị định thay thế các nghị định về quản lý và sử dụng thông tin trên mạng đang được sửa đổi và sẽ ban hành trong năm 2023, nhằm ngăn chặn các đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội trên không gian mạng.
Theo đại diện của TikTok, khi có cơ sở pháp lý, việc định danh tài khoản cá nhân trên nền tảng sẽ dễ dàng hơn và có thể làm một cách nhanh chóng. Bởi thực tế, tài khoản định danh có giá trị cao hơn tài khoản vãng lai (khai báo thông tin hạn chế) rất nhiều, nhưng phải có khung pháp lý thì mới yêu cầu người dùng thực hiện được. Thực tế đối với mạng xã hội Tiktok tài khoản mua bán hàng có định danh chiếm khoảng 30%, còn lại khoảng 70% là các tài khoản “ảo”. Các dịch vụ mạng xã hội khác như: Facebook, Google (cung cấp kênh giải trí lớn YouTube) không đưa ra bình luận gì vì đây là vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân của người dùng…Tuy nhiên, qua khảo sát của các chuyên gia thì đại diện của các Công ty này luôn tìm cách né tránh và đưa ra câu trả lời kiểu “úp mở” và cho rằng: “Thực tế từ trước đến nay khi người dùng tại Việt Nam đăng ký tài khoản mạng xã hội đều được yêu cầu xác minh bằng giấy tờ do nhà nước cấp như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu và khuyến khích các tài khoản phải dùng tên thật. Người dùng xác minh tài khoản khi gặp sự cố sẽ được nền tảng hỗ trợ, còn nếu không tài khoản đó sẽ không thể khôi phục khi bị hack (chiếm quyền quản trị), hay biến mất khi có các đợt càn quét tài khoản “ảo”” hoặc “các tài khoản mạng đều đã thực hiện định danh, bởi nếu người dùng không tiến hành xác minh sẽ bị hạn chế rất nhiều thứ, ví dụ việc upload (đăng tải) các nội dung video có thời gian dài. Nền tảng này sẽ định danh cơ bản bằng số điện thoại và gần như quản lý được người dùng đang hoạt động trên đó” nhưng thực tế thì việc khai báo thông tin định danh như vậy chỉ áp dụng cho các tài khoản phục vụ việc kinh doanh (bán hàng online, quảng cáo…), còn đối với các tài khoản tạo lập để sử dụng vào mục đích khác thì thông tin khai báo rất hạn chế, có thể khai báo cả “thông tin ảo”…
Về phía người dùng, có nhiều ý kiến cho rằng việc cung cấp thông tin cá nhân của mình cho các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube có được bảo mật hay không, bởi đây là các mạng xã hội của nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo mật, người dùng không cần phải lo lắng về việc này, bởi theo Luật An ninh mạng, các thông tin cá nhân liên quan đến dữ liệu của người dùng đều bắt buộc phải lưu trữ tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định 53 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó quy định các loại dữ liệu Internet như dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu; dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: Bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác) phải được lưu trữ tại Việt Nam, chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/10/2022.
Các cơ quan chức năng sẽ sớm có các giải pháp để yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, bởi khi đã có khung pháp lý rõ ràng, sẽ có tính răn đe với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, việc thực hiện định danh sẽ giúp cho môi trường thông tin trên các mạng xã hội trở nên lành mạnh hơn.

Anh Bảy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét