Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

“PHONG SÁT” - MẤY VẤN ĐỀ CẦN SUY NGẪM

“Phong sát” không phải là từ Tiếng Việt mà có nguồn gốc từ Tiếng Trung. “Phong” có nghĩa là phong tỏa, bao vây và “sát” có nghĩa là giết hại. Theo từ điển Tiếng Trung hiện đại, “phong sát” được sử dụng để miêu tả việc sử dụng lệnh cấm hoặc phong tỏa để ngăn chặn một người tiếp tục xuất hiện trong một lĩnh vực nhất định. Trong hoạt động nghệ thuật “phong sát” có thể hiểu là một lệnh cấm được áp dụng cho tất cả các nhân vật nổi tiếng, nghệ sĩ hoặc nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật như diễn viên, ca sĩ,… khi họ gặp phải scandal hoặc mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng. Lệnh cấm này buộc các phương tiện truyền thông không được phép phát sóng bất kỳ chương trình, phim ảnh hay hình ảnh nào liên quan đến họ. Các ngôi sao, nghệ sĩ bị “phong sát” sẽ bị ngăn chặn tham gia bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào. Điều đó đồng nghĩa với sự nghiệp của họ sẽ bị đóng băng và khó có cơ để phục hồi.
Trung Quốc được xem là quốc gia mạnh tay nhất trong xử lý các nghệ sỹ vi phạm luật pháp, đạo đức, văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Cơn địa chấn “phong sát” - cấm sóng, khiến một loạt cái tên đình đám như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy… đứng bên bờ vực mất sự nghiệp vĩnh viễn. Theo quy định, những người không tuân thủ pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội không được xuất hiện trước công chúng dưới bất kỳ hình thức nào (báo chí, truyền hình, sự kiện hay mạng xã hội kể cả người nổi tiếng muốn livestream phải đăng ký với cơ quan chức năng…) Tại Hàn Quốc, một số nghệ sỹ nổi tiếng như Seungri của nhóm Bigbang buộc phải giải nghệ bởi chia sẻ hình ảnh nhạy cảm trên mạng. Đài Truyền hình quốc gia KBS đã cấm vĩnh viễn loạt nghệ sỹ với hành vi sử dụng ma túy, tấn công tình dục, bạo hành, tấn công cảnh sát, lái xe khi say… Cụm từ “phong sát” được ví như bàn tay sắt, trừng phạt trên mọi phương diện với những đối tượng, trong đó có nghệ sỹ vi phạm pháp luật, có hành vi lệch chuẩn về đạo đức, phát tán thông tin, hình ảnh nhạy cảm, dung tục. Các quốc gia trên thế giới đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp pháp luật công nghệ giáo dục truyền thông và cả sự lên án của cộng đồng với những hành vi sai lệch.
Việc xử lý sai phạm của nghệ sỹ không nước nào giống nước nào, tùy thuộc vào luật và truyền thống văn hóa. Ở Việt Nam, việc “phong sát” là một hình thức xử lý rất nặng. Với mỗi sai phạm của nghệ sỹ cần có cách xử phạt khác nhau, đặc biệt là trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm lặp đi lặp lại. Việc cấm sóng vĩnh viễn ít khi sử dụng trừ trường hợp sai phạm nghiêm trọng, thay vào đó nên đặt ra thời hạn cụ thể để nghệ sỹ nhận ra được sai lầm và sửa sai. Việc xử lý phải mang tính giáo dục chứ không phải triệt tiêu. Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển không phải cấm đoán. Cấm thì dễ nhưng làm thế nào để quản lý vẫn chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sỹ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động đó mới là điều khó. Với người nghệ sỹ, có lẽ hình phạt lớn nhất là sự quay lưng của công chúng chứ không phải là “phong sát”.
Ngày 13/12/2021, Bộ VHTT&DL ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan và tổ chức cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VHTT&DL ban hành không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là văn bản hướng dẫn hành vi, mang tính chất khuyến cáo và định hướng. Việc không có chế tài xử lý khiến các nghệ sỹ nghĩ rằng không có nghĩa vụ phải tuân theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành là cần thiết. Hình ảnh nghệ sỹ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sỹ ấy. Việc phải có tiêu chí rõ ràng, chi tiết trong các văn bản quản lý nghệ thuật biểu diễn, để có những chế tài cụ thể, hoàn thiện hơn nữa các quy định mang tính pháp lý là điều cần thiết. Quy định càng chi tiết càng tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ. Như thế sẽ dễ cho người quản lý, cũng như cho các đối tượng thực hiện. Hiện chúng ta đã có Nghị định 144 hay Nghị định 38 xử lý những sai phạm trong nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, xã hội vẫn tiếp tục phát triển với nhiều cái mới nên việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết để đi vào cuộc sống, theo kịp diễn biến thực tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Tại tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sỹ và giới trẻ” diễn ra ngày 19/4/2023 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật nhấn mạnh: Không dừng ở biện pháp khuyến nghị như trước đây, cơ quan quản lý Nhà nước đang tích cực xây dựng quy trình xử lý đối với nghệ sỹ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Hiện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp tích cực để hoàn tất công việc này trước tháng 10/2023 bởi đây là vấn đề dư luận rất quan tâm. Đồng thời, ông cũng cho rằng nên tránh dùng cụm từ “phong sát” bởi đó là cách làm của nước ngoài, không phù hợp với đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước, trong khi “Chúng ta có nhiều biện pháp để thanh lọc môi trường mạng, môi trường văn hóa nghệ thuật. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để có các biện pháp hạn chế sự xuất hiện, lan tỏa hình ảnh của những cá nhân không tuân thủ quy định pháp luật”.
Nghệ sỹ là một trong những những người có sứ mệnh cao cả là đưa tác phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng, vun đắp nội tâm con người, đưa xã hội hướng tới chân thiện mỹ. Tuy nhiên, người hoạt động nghệ thuật chưa chắc đã là nghệ sỹ. Nghệ sỹ là danh xưng đáng trân trọng, người nghệ sỹ phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình, tuân thủ quy định pháp luật và Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Suy cho cùng không gian mạng là con dao hai lưỡi, có thể giúp nghệ sỹ lan tỏa hình ảnh nhưng cũng có thể hủy diệt uy tín, sự nghiệp. Khi nghệ sỹ có những hành vi sai trái thì họ sẽ tự làm tiêu tan hào quang, danh dự của mình. Do đó mỗi nghệ sĩ phải có giải pháp tự chấn chỉnh bản thân, khi chúng ta tốn công vun đắp, chăm sóc kỹ một vườn hoa thì sẽ có thể dẹp bớt cỏ dại./.

An Tây - Tổng hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét