Phản biện xã hội (PBXH) được xem là “sản phẩm” của sự phát triển nền kinh tế thị trường, sự thúc đẩy của việc xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như quá trình dân chủ hóa trong đời sống chính trị - xã hội. Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về phản biện xã hội, nhưng quy chung lại có thể hiểu: “PBXH là việc phân tích, đánh giá, lập luận, tranh luận có tính chất độc lập, khoa học của các lực lượng xã hội (bao gồm cá nhân hoặc tổ chức trong xã hội) nhằm khẳng định hoặc bác bỏ, hay đề xuất sửa đổi chính sách, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với lợi ích chung của cộng đồng”. Do đó, PBXH có vai trò quan trọng trong thực hành dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền, bởi thông qua PBXH làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đầy đủ, đúng đắn, hoàn thiện hơn trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận, phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh.
Về bản chất, PBXH là một hình thức thể hiện quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Theo đó, PBXH chính là quyền bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người. Đó là: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ ”; “Mọi công dân đều có quyền và cơ hội để tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện được họ tự do lựa chọn ”. Như vậy, quyền tự do ngôn luận được hiểu chính là tiền đề, là điều kiện cơ bản cần thiết để người dân thực hiện PBXH và PBXH cũng chính là một trong những hình thức để người dân phát huy vai trò của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Trên cơ sở quyền tự do ngôn luận, thời gian qua các thế lực thù địch đã “núp bóng” sử dụng chiêu bài PBXH để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thông qua mạng xã hội có không ít người tự cho mình là người “phản biện”, có tư tưởng “tiến bộ”, lấy danh nghĩa PBXH để nêu những ý kiến về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ những vấn đề lớn của đất nước đến các chính sách, quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương. Họ đưa ra ý kiến với những cách thức như viết các “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, các ngành, gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đăng tải trên mạng xã hội, blog cá nhân… Để gia tăng sức ảnh hưởng và phụ họa cho những luận điệu sai trái của mình, số đối tượng này thường xuyên trả lời phỏng vấn của các đài, báo nước ngoài với nhiều nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thổi phồng, khoét sâu những tồn tại, hạn chế của đời sống xã hội. Để ngụy biện cho hành động của chúng, ban đầu những đối tượng này sẽ nêu một số vấn đề có nội dung mang tính phản biện nhưng lại thể hiện bằng ngôn ngữ miệt thị, chửi bới, công kích, bóp méo sự thật nên về bản chất thì chính là lợi dụng PBXH để xuyên tạc, chống phá chứ không còn ý nghĩa phản biện, góp ý, xây dựng. Thậm chí còn có một số người tự xưng là “nhà lý luận” còn lợi dụng PHXH để kích động, tuyệt đối hóa tự do, dân chủ, rằng chúng ta đang xây dựng một xã hội “thiếu không gian tự do”, “tự do là không chính trị”, “dân chủ hóa, giải phóng con người là chiếc chìa khóa vạn năng”... biến khái niệm tự do hiểu theo nghĩa không còn tổ chức, không còn quy tắc, văn hóa, pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc tự do là không có gì ràng buộc, từ đó hướng lái, đổ lỗi cho những tồn tại, yếu kém trong xã hội này là do chế độ chính trị của Việt Nam là “độc Đảng” và kêu gọi người dân chống phá Đảng, Nhà nước để thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam.
Bất kể một hoạt động nào tồn tại trong xã hội đều mang tính hai mặt của nó và PBXH cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đó chính là hai mặt của một vấn đề, nếu PBXH được thực hiện một cách có hiệu quả có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, làm cho các chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện, đem lại hiệu quả tốt hơn. Ngược lại nếu lợi dụng PBXH để kích động, thổi phồng, xuyên tạc nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây ra sự ngộ nhận, nhầm lẫn trong dư luận khiến nhiều người hiểu sai về tình đất nước, hiểu sai về Đảng, Nhà nước thì hành vi đó là phá hoại, cần phải đấu tranh, loại trừ. Do đó, để PBXH đem lại hiệu quả, ý nghĩa tích cực phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích hướng đến. Đồng thời phải nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng PBXH để gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động, trước mỗi thông tin được cho là PBXH. Những ai đã và đang nhân danh hay đang lợi dụng PBXH để chống Đảng, Nhà nước sớm muộn gì cũng sẽ bị xử lý trước pháp luật./.
An Tây - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét