Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được Liên hợp quốc và pháp luật của nhiều quốc gia phát triển quy định cụ thể. Khoản 1, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” và khoản 2, Điều 22 quy định: “Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác”.
Ở Pháp, Điều 11 Bản “Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789”, vấn đề tự do báo chí được trình bày như là một trong những quyền cơ bản:“Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Sau này, đạo luật 1881 về tự do báo chí cũng được ban hành trong nền cộng hòa thứ ba vào ngày 29/7/1881 và đã nêu rõ các giới hạn trong tự do báo chí vì sự lạm dụng tự do, cụ thể là đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí và đến nay đạo luật này vẫn còn giá trị. Tại Anh, tất cả các bài phát biểu miệng hay đăng báo với mục đích làm mất tín nhiệm hoặc kích động chống lại chủ quyền, chính phủ, hiến pháp; kích động sự bất bình hay sự công phẫn giữa các công dân của Nữ hoàng, sự hận thù giữa các giai cấp của các công dân đó… đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cũng như các quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân như các quốc gia khác trên thế giới.
Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định “người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện”. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm 1946 về quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Quy định này cũng được thể chế trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam, như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017; Luật Báo chí năm 2016...
Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình, 57 kênh nước ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó những nhà báo được tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí ngày càng phát triển theo hướng hợp tác đa quốc gia và đa lĩnh vực, hiện đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... và được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp.
Đến nay, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 68,7% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (51,4%). Theo đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng (hiện tại Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á). Cùng với đó, thông qua các trang mạng xã hội người dân Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong hệ thống chính trị, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương ở Việt Nam ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân.
Với cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Đảng và Nhà nước luôn đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Và lẽ tất nhiên, không thể chấp nhận việc bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet, tự do ngôn luận để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân./.
An Tây - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét